Dịch bệnh “càn quét” thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn luôn là nỗi lo lắng của ngành chức năng và bất an của người nông dân, đặc biệt trên các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ vì giá trị thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng luôn là việc làm cấp thiết của ngành thủy sản mỗi năm.

Diện tích thiệt hại lớn

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế của Cục Thú y tại các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, trong hơn 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 14.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, tăng 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, có trên 1.000 lồng bè, ao, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi. Trước tình hình này, các cơ quan thú y đã triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, xác định dịch bệnh nguy hiểm chiếm khoảng 20% tổng diện tích thiệt hại, bao gồm: bệnh đốm trắng (trên 1.100 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (khoảng 1.000 ha); bệnh trên cá tra (xuất huyết, gan thận mủ trên 200 ha). Bên cạnh đó, có khoảng 10.000 ha nuôi tôm (chủ yếu nuôi quảng canh) bị thiệt hại nhưng không được các cơ quan chuyên môn của địa phương lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân.

Hàng nghìn ha tôm nuôi bị thiệt hại không rõ nguyên nhân. Ảnh: ST

Theo đánh giá, thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn; trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nuôi truyền thống, quảng canh, khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Số liệu thiệt hại, dịch bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo, chưa phản ánh đúng diễn biến dịch trong thực tiễn sản xuất. 

Mặt khác, công tác thú y thủy sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do công tác thú y thủy sản tại địa phương chưa được ưu tiên. Cùng đó, kinh phí hàng năm bố trí cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản chưa đầy đủ, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân dịch bệnh, điều tra ổ dịch, giám sát chủ động dịch bệnh để dự báo, cảnh báo sớm dịch bệnh và tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. 

Ngoài ra, việc giám sát chủ động dịch bệnh chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; công tác kiểm dịch thủy sản giống còn nhiều kẽ hở, chủ yếu tập trung vào kiểm dịch tôm giống; công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản chưa triệt để. Chưa kể, nhiều hộ nuôi xử lý động vật thủy sản chết, nghi mắc bệnh, xử lý chất thải, nước thải chưa bảo đảm…

Kịp thời ngăn chặn

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản trong thời gian tới, mới đây Bộ NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực trạng nuôi trồng thủy sản và tình hình dịch bệnh thủy sản tại địa phương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động, kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng, chuỗi sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống an toàn dịch bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thủy sản của địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến dịch bệnh để hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Quan trọng nữa là tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Box: Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản, đặc biệt trên tôm nước lợ. Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản trực tuyến…

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!