Diễn đàn thường niên rác về thải nhựa đại dương ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Diễn đàn do Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT Nam Định và một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam triển khai tại Nam Định vừa qua. Đây là hoạt động thường niên mà Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản thực hiện.

Tại Diễn đàn này, Tổng cục Thủy sản mong muốn các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng điểm lại các hoạt động, kết quả chính của các dự án, hoạt động về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản đã thực hiện năm 2022 (trong khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản; giám sát rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển và hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức…); cập nhật thông tin một số dự án dự kiến triển khai thời gian tới. Diễn đàn cũng sẽ đưa ra thảo luận một số chính sách được kiến nghị từ kết quả triển khai một số mô hình thí điểm nhằm giảm rác thải nhựa/khuyến khích thu gom rác nhựa từ hoạt động thủy sản, trước hết là hoạt động giảm nhựa tại các cảng cá, tàu cá.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định có đường bờ biển dài 72 km, trong đó trên 17.000 ha nuôi trồng thủy sản, có 4 cửa sông và Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái đa dạng… Đây là các điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển thủy sản bền vững. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển thì việc tác động trong quá trình sản xuất thủy sản đối với môi trường rất lớn, đặc biệt là các nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa. Với tinh thần hợp tác, liên kết để bảo vệ môi trường, “Diễn đàn thường niên rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản” được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái, hạn chế nguồn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Máy ép giảm thể tích rác thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển rác thải tại cảng cá

Tại Diễn đàn, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản đã đạt được hiệu quả nhất định. Tập trung giải quyết những nhiệm vụ môi trường cấp bách, đi đôi với sản xuất hiệu quả. Người dân được tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản theo phương thức bền vững với môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tổn tại và hạn chế, do vậy, tỉnh đề nghị Tổng cục Thủy sản hỗ trợ địa phương phương án, kỹ thuật xử lý phao xốp sau thay thế; Hướng dẫn kỹ thuật về thu gom rác trên các tàu cá và quy định vệ sinh môi trường trên tàu cá; Thí điểm một số mô hình sản xuất bền vững nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; Thí điểm xây dựng và hình thành hệ thống xử lý riêng rác thải nhựa đặc biệt là rác thải nguy hại.

Nhấn mạnh về kết quả thực hiện quản lý rác thải nhựa tại cảng cá trong năm 2022, ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang chia sẻ, trong khuôn khổ triển khai “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030”, Ban Quản lý đã phối hợp triển khai “Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện Phụ lục V Công ước MARPOL”. Kết quả năm 2022 đã thực hiện ký cam kết về việc giao nộp rác thải đối với 1.075 tàu và thu gom được 5.604,67 kg từ 4.493 tàu cập cảng. 

Việc thực hiện mô hình giúp nhận thức của một số bộ phận ngư dân tại thành phố Đà Nẵng về việc quản lý rác thải nhựa trên tàu, giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường trong những chuyến biển được tăng lên; Tạo thói quen giao nộp rác thải thu gom được sau những chuyến biển khai thác thủy sản của ngư dân; Tạo điều kiện cho Ban Quản lý thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường, quản lý rác thải nhựa phát sinh tại cảng; góp phần thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030; Tạo đà duy trì và lan tỏa thói quen giao nhận rác thải đối với cán bộ cảng, ngư dân thành phố Đà Nẵng và ngư dân một số tỉnh lân cận khi neo đậu, cập cảng tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. 

Chia sẻ về hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, bà Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub cho biết, Ocean Conservancy – GreenHub đã xây dựng Chương trình Kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 – NAP, nhằm mục đích thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm rác thải nhựa từ nguồn. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc ngư cụ bị thải bỏ xuống biển vào năm 2030. Và GreenHub triển khai nhiều hoạt động như: Truyền thông thay đổi nhận thức cho cộng đồng cư dân ven biển và chiến dịch làm sạch bờ biển thông qua các hoạt động dọn rác tại Phú Yên; trường học không rác thải; kết nối các bên liên quan chung tay hỗ trợ kế hoạch hành động quốc gia giảm rác thải biển.

Tại Diễn đàn lần này, Tổng cục Thủy sản đã thống nhất định hướng quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản trong thời gian tới như: Giảm nhựa trong hoạt động khai thác thủy sản, qua việc triển khai các hoạt động: Áp dụng thực hiện quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện theo Phụ lục V Công ước Marpol; Xây dựng quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa trên tàu cá và giao nhận rác thải nhựa từ tàu cá tại cảng cá; chính sách thu gom rác thải nhựa từ tàu cá; tái chế và tái sử dụng vật liệu nhựa trong khai thác thủy sản; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; giảm thiểu và tiến tới thay thế phao xốp trong nuôi biển…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!