Điển hình khuyến ngư 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Để sản xuất nông, ngư nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Trung tâm các tỉnh, địa phương, triển khai nhiều dự án mang lại hiệu quả cao.

1. Dự án hiện đại hóa tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ

Năm 2014, Trung tâm triển khai 20 máy dò ngang cho các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; 13 hầm bảo quản; 9 máy thông tin tầm xa và 12 máy radar hàng hải. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế lớn, năng suất và sản lượng tăng trên 180% so tàu chưa lắp máy, tiết kiệm nhiên liệu do giảm bớt thời gian dò tìm cá. Thu nhập của người lao động được tăng lên rõ rệt. Năm 2015, mô hình sẽ tiếp tục được Trung tâm triển khai.

Dự án sơ chế và bảo quản sản phẩm trên biển, Trung tâm đã phối hợp với các chủ tàu xây dựng các mô hình “Hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm cho tàu khai thác xa bờ”. So với hầm bảo quản truyền thống, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU đáp ứng các yêu cầu độ lạnh được trải đều, chất lượng cá bảo đảm bảo lâu dài. Khi áp dụng mô hình này, chất lượng cá tăng thêm 5.000 – 10.000 đồng/kg, tỷ lệ nước đá hao hụt trước kia 35 – 40% thì nay chỉ còn 5%.

Dự án hầm bảo quản sản phẩm trên biển giúp nâng cao giá trị sản phẩm – Ảnh: Việt Anh         

 

2. Dự án nuôi cá lồng hồ chứa

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa” tại các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Giang và Lào Cai… giai đoạn 2013 – 2015.

Dự án hỗ trợ chủ hộ tham gia xây dựng mô hình 100% cá giống, 50% thuốc ăn thuốc, hóa chất phòng trị bệnh cho cá. Sau 2 năm (2013 và 2014) thực hiện, dự án đã xây dựng được 5 mô hình nuôi cá tầm, với quy mô 500 m3; cá ở các mô hình đạt tỷ lệ sống 78%; cỡ cá thu hoạch 1,5 – 2 kg/con; năng suất đạt khoảng 20 kg/m3. Đối với cá diêu hồng: xây dựng được 8 mô hình, với quy mô 800 m3; cá ở các mô hình đạt tỷ lệ sống 85%; cỡ cá thu hoạch 0,6 – 0,8 kg/con; năng suất đạt khoảng 45 kg/m3. Đối với cá lăng: xây dựng được 6 mô hình, với quy mô 600 m3; cá ở các mô hình đạt tỷ lệ sống 72%; cỡ cá thu hoạch 1,2 – 1,5 kg/con; năng suất đạt khoảng 12 kg/m3.

Từ những kết quả cụ thể, mô hình nuôi cá lồng hồ chứa đã tận dụng được diện tích mặt nước; Tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; Đa dạng cơ cấu thành phần giống loài thủy sản của địa phương; Giúp nông dân tiếp cận các hình thức nuôi mới và khoa học công nghệ tiên tiến trong thời kỳ hội nhập…

         

3. Nuôi tôm sú, TTCT theo quy trình VietGAP

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với nhiều Trung tâm, Sở NN&PTNT, địa phương xây dựng các mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP. Các cơ sở được lựa chọn áp dụng mô hình nuôi tôm sú, TTCT theo VietGAP được dự án hỗ trợ một phần kinh phí (100% con giống, 30% thức ăn và chế phẩm sinh học); Đồng thời, thực hiện cam kết đối ứng và tuân thủ yêu cầu của dự án để cùng thực hiện triển khai mô hình. Kết quả, so với nuôi tôm thông thường thì nuôi tôm theo quy trình VietGAP khắt khe hơn và đầu tư kinh phí cao gấp đôi. Tuy nhiên, bù lại tôm nuôi rất an toàn và phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh và tạo ra sản phẩm an toàn.

Như tại Kiên Giang, mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại 2 hộ huyện Hòn Đất, với quy mô 4.000 m2 (được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, chế phẩm sinh học) và được tập huấn kỹ thuật. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng tôm đạt 40 con/kg, năng suất 6 – 7 tấn/mô hình, với giá bán giao động 120.000 – 160.000 đồng/kg, người nuôi thu lợi trên 450 triệu đồng.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!