(TSVN) – Thời tiết bất lợi, mưa nắng thất, chưa tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, chưa áp dụng đúng kỹ thuật nuôi… khiến dịch bệnh xảy ra trên nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 400 ha nuôi ngao, tập trung ở các xã Mai Phụ, Thạch Châu (huyện Lộc Hà); Đỉnh Bàn (Thạch Hà); Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh)… Sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 3.900 tấn. Trong đó, vùng nuôi ngao thuộc xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) và Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) có diện tích lần lượt là 74,5 ha và 20 ha.
Thời gian qua, một số vùng nuôi ngao của huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người nuôi thất thu hàng tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Thú y vùng III (Cục Thú y) phối hợp với các đơn vị chuyên môn đã tổ chức lấy mẫu tích. Kết quả cho thấy, ngao tại các vùng nuôi chết không do dịch bệnh, nguồn nước không bị ô nhiễm, không bị tảo độc và khí độc…
“Ngao chết là do thả nuôi mật độ quá dày kết hợp bị ảnh hưởng do trời nắng, nước nóng cùng một số yếu tố bất lợi khác”, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) thông tin.
Theo bà Thúy, khảo sát thực địa của cơ quan chuyên môn cho thấy, tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, mật độ nuôi ngao dày đặc, đạt từ 1.500 – 3.800 con/m2. Đây là mật độ nuôi trung bình cao gấp nhiều lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn (bình quân chỉ từ 150 – 350 con/m2). Dù yêu cầu về kỹ thuật này đã được tập huấn, thông tin và hướng dẫn nhưng nhiều hộ dân các bãi nuôi vẫn không tuân thủ hoặc ít quan tâm đến.
Ngoài thả giống mật độ quá dày, quá trình sản xuất người dân tăng cường thâm canh, không cho nghỉ bãi, phơi bãi để vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh; thường thả ngao lớn và ngao bé lẫn vào với nhau… ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi cũng như khả năng kháng bệnh, phân loại ngao.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo, để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, suốt quá trình sản xuất, người dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được phổ biến gồm: Thả mật độ con giống phù hợp từ 150 – 350 con/m2, kích cỡ giống tốt nhất từ 400 – 500 con/kg; không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn.
Sau mỗi kỳ thu hoạch, phải cải tạo bãi nuôi, phơi bãi đúng quy trình kỹ thuật để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo; thường xuyên theo dõi bãi nuôi, tình trạng sinh sống, khi có hiện tượng ngao và môi trường thay đổi cần thông báo ngay cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chọn giống nơi uy tín, đồng đều về kích cỡ, được kiểm dịch trước khi chuyển từ trại giống về bãi nuôi.
Thủy sản chết hàng loạt khiến ngư dân gặp khó. Ảnh: Duy Hùng
Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh từ đầu vụ đến nay, nông dân Trà Vinh đã thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, với số lượng gần 428 triệu con tôm sú và hơn 1,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 10.300 ha mặt nước.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay xuất hiện đợt không khí lạnh kéo dài làm biến động mạnh về nhiệt độ, môi trường nước ao nuôi gây ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm nuôi và đã làm thiệt hại gần 43 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, với diện tích hơn 152 ha. Qua khảo sát và lấy mẫu, hầu hết tôm chết do bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột…
Chi cục Thủy sản Trà Vinh đang cùng Phòng NN&PTNT các huyện vùng ven biển tăng cường công tác hỗ trợ nông dân phòng bệnh cho tôm nuôi. Song song đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi, không chủ quan việc thực hiện kiểm tra chất lượng nguồn tôm giống nuôi của mình để hạn chế rủi ro thiệt hại và dịch bệnh trên tôm lây lan. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng tôm giống. Khuyến cáo nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật kiểm tra nguồn gốc, sức khỏe tôm giống khi mua để thả nuôi.
Ngoài ảnh hưởng của thời tiết thất thường thì số lượng cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú giống tại tỉnh Trà Vinh hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nguồn tôm giống cho nông dân. Cùng với đó là thức ăn nuôi tôm tăng giá là những khó khăn của người nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, giá tôm đang ở mức cao nếu người nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh, tuân thủ theo quy định của cơ quan chức năng khi thu hoạch sẽ có lãi.
Hải Đường