(TSVN) – Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh lúa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao lại tạo nên môi trường sản xuất bền vững. Tuy nhiên, để tôm phát triển tốt, vấn đề chăm sóc và quản lý dinh dưỡng ở từng giai đoạn nuôi là vô cùng quan trọng.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.
Giai đoạn ấu trùng tôm càng xanh ăn các phiêu sinh vật nhỏ. Khi chuyển sang tôm bột, chúng thường ăn ở tầng đáy và ăn tạp. Phổ thức ăn của chúng rộng bao gồm những loài giun nước, ấu trùng côn trùng, các loài giáp xác, nhuyễn thể, khoai củ, thóc gạo, các loại trái cây, cơm dừa, các loại thực vật sống trong nước, mùn bã hữu cơ, phân gia súc và ngay cả xác chết động vật.
Tôm càng xanh dùng đôi râu để tìm kiếm thức ăn và dùng càng cắt, xé thức ăn đưa vào miệng. Chúng rất háu ăn và ăn liên tục. Tuy nhiên, tôm có khuynh hướng ăn về đêm mạnh hơn. Đặc biệt, khi môi trường thiếu thức ăn tôm có xu hướng ăn lẫn nhau. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi nuôi, cần cho tôm ăn đầy đủ để tránh hao hụt.
Lượng thức ăn cho tôm ăn 800 g/100.000 tôm/ngày và tăng dần theo thời gian ương, khoảng 80 g/ngày, tuần thứ 2 là 120 g/ngày, tuần thứ 3 là 200 g/ngày, tuần thứ 4 là 300 g/ngày.
Thức ăn cho tôm ăn trong quá trình ương là thức ăn công nghiệp. Phương pháp cho ăn là rải khắp mương/ruộng nuôi. Số lần cho ăn từ 2 – 3 lần/ngày. Kích cỡ thức ăn cho tôm ăn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của tôm, thức ăn cho tôm ăn trong thời gian đầu sau thả giống là thức ăn mảnh, nên cần pha nước tạt đều xung quanh mương/ruộng cho tôm ăn. Không nên cho tôm ăn thừa vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường nước.
Khi thời tiết thay đổi, tôm lột xác… nên giảm lượng thức ăn. Kết hợp sàng ăn và chài kiểm tra thức ăn trong đường ruột tôm trước và sau khi cho tôm ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa… trộn vào thức ăn cho tôm ăn nhằm giúp tăng cường sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.
Sau 45 – 75 ngày ương, tiến hành bẻ càng thả ra mương ruộng nuôi, thời điểm cây lúa 10 – 22 ngày sau khi sạ, đã bón thúc phân bón đợt 1 hoặc đợt 2.
Loại thức ăn: Giai đoạn đầu tốt nhất cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 – 30%, lượng thức ăn thay đổi vào thời gian nuôi. Giai đoạn sau có thể sử dụng kết hợp thức ăn tự chế biến để hạ giá thành. Số lần cho ăn 2 lần/ngày. Thành phần thức ăn chế biến có thể sử dụng các nguyên liệu như sau: Trùn quế, cá biển, cám, ruốc, ốc bươu vàng, còng… Kích cỡ thức ăn tùy thuộc vào kích thước tôm. Thức ăn phải tươi và cho ăn từ từ. Không nên cho tôm ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước.
Phương pháp cho ăn: Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao. Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 1 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột, vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp. Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.
Khi cho tôm ăn cần dựa vào một số yếu tố khác bên cạnh việc ước lượng theo đàn tôm trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như:
– Căn cứ vào chất lượng môi trường mương hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn.
– Kết hợp sàng ăn và rải thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.
– Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khỏe tôm: do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tùy thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.
Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm nuôi trong ruộng nuôi tôm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ruộng để có những điều chỉnh về lượng thức ăn và môi trường nước của tôm nuôi.
Phương Đông