(TSVN) – Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đưa ĐBSCL thành vùng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam. Nhưng để phát triển bền vững, cần định vị lại các giá trị của nông nghiệp vùng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều hệ giá trị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có những thành tựu vượt bậc. ĐBSCL đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 2004 – 2020, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng; tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL đạt 4,6% cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%). Trong 9 tháng năm 2021, nông, lâm, thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,53% GDP quốc gia, trong đó có sự đóng góp rất lớn của vùng châu thổ này. Các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng đã xuất khẩu đi hàng loạt các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vùng theo thứ tự ưu tiên là thủy sản – cây ăn quả – lúa gạo, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển biến theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác. Diện tích NTTS vùng ĐBSCL tăng bình quân là 2,6%/năm; sản lượng cũng tăng bình quân 9%/năm, cao hơn so tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào phát triển thủy vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu và không đồng bộ. Chưa xây dựng được các mô hình liên kết đầu tư như hợp tác công tư…; do đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào phát triển thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nhìn chuỗi ngành hàng trên phạm vi địa phương sẽ rất khó phát triển, nên cần ghép 13 mảnh ghép (13 địa phương) với nhau để “kiến tạo không gian phát triển. “4 nhà” phải cùng kiến tạo không gian phát triển cho từng ngành hàng, tạo ra những mô hình và mô hình này sẽ tạo ra chính sách phát triển.
Sáng 3/11, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ngọc Ngọc