(TSVN) – Bảo tàng Ngư cụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang là nơi sưu tầm, lưu giữ hơn 100 mẫu vật trưng bày các ngư cụ từ truyền thống đến hiện đại của nghề cá Việt Nam. Nơi đây không chỉ thu hút sinh viên chuyên ngành mà còn hấp dẫn cả du khách.
Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế và văn hóa gắn với biển. Trong đó, vùng Duyên hải miền Trung được xem là nơi tạo dựng, bảo lưu những giá trị văn hóa biển. Từ xa xưa, người dân miền biển đã sử dụng nhiều loại ngư cụ khác nhau để khai thác thủy sản phục vụ cuộc sống.
Các giảng viên và sinh viên nhiều thế hệ của Trường Đại học Nha Trang đã dày công lặn lội đến nhiều vùng đất xa xôi để sưu tầm, khôi phục những ngư cụ cổ mà nay không còn hoặc hiếm thấy trong nghề cá Việt Nam, cùng với những hiện vật nghề cá hiện đại, lập thành Bảo tàng Ngư cụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản của Trường.
Thầy Nguyễn Viết Hùng, quản lý Bảo tàng Ngư cụ cho biết, Bảo tàng có diện tích gần 500 m2, hiện lưu giữ, trưng bày hơn 100 mẫu vật đại diện cho các ngành nghề khai thác thủy sản đã xuất hiện tại nước ta. Các mẫu vật được chia thành 5 nhóm gồm: Ngư cụ đóng (các loại lưới rê đơn, rêkép, rê hỗn hợp), ngư cụ lọc (lưới rùng, lưới vây, lưới chụp, lưới mành…), ngư cụ kéo (các loại lưới kéo đơn, lưới kéo đôi…), ngư cụ cố định và ngư cụ bẫy (đăng, nò, lồng bẫy…), ngư cụ câu (câu vàng, câu tây…).
Theo thầy Hùng, làm bảo tàng là làm văn hóa, nên cái khó nằm ở chỗ phải dày công nghiên cứu. Có một số mẫu vật không còn nữa, cộng với nguồn tài liệu khan hiếm nên rất khó có thể phục chế lại.
Mẫu vật kỳ công và mất nhiều thời gian bố trí nhất của Bảo tàng Ngư cụ phải nói đến sa bàn nội đồng với các vùng nước như ao hồ, đầm phá, tương ứng là những loại ngư cụ đặc trưng theo từng vùng. Ngoài ra, các mô hình tàu thuyền từ thô sơ đến là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện tỉ mỉ của các cán bộ, giảng viên để tạo nên những mô hình gần giống nhất với thực tế. Được thực hiện gần đây nhất là mô hình tàu cá công suất 820 CV, tỷ lệ 1/35 theo tiêu chuẩn tàu cá vỏ thép thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hình ảnh con tàu vỏ thép đã được tái hiện với những chi tiết đặc trưng và tỷ lệ chuẩn xác như: hầm bảo quản thủy sản, dàn lưới, dàn đèn, hệ thống ống nước trên tàu…
Bảo tàng Ngư cụ còn là địa điểm tham quan, học tập lý thú dành cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và du khách. Với những môn học cần quan sát trực tiếp, thay vì phải ra các cảng biển hoặc vùng có ngư cụ cần tìm hiểu, sinh viên chỉ cần đến Bảo tàng để trực tiếp quan sát, tìm hiểu thông tin. Việc này càng thêm ý nghĩa đối với nhu cầu tìm hiểu những ngư cụ cổ xưa không còn thông dụng.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản, tuy không phải là những người làm bảo tàng chuyên nghiệp, nhưng thầy và trò nơi đây đã tạo ra một bảo tàng rất giá trị, có ý nghĩa. Bảo tàng là cách nhanh nhất, sống động nhất, để sinh viên đi từ lý thuyết đến thực tế về nghề khai thác thủy sản.
Theo thầy Nguyễn Viết Hùng, hàng năm, Bảo tàng bổ sung thêm các mẫu vật thông qua việc sưu tầm, tìm kiếm, hoặc do chính cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nha Trang làm nên. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bảo tàng cũng hướng đến trở thành địa điểm tham quan giới thiệu về lịch sử ngành nghề khai thác thủy sản từ truyền thống đến hiện đại của đất nước.
>> Thầy Nguyễn Viết Hùng, quản lý Bảo tàng Ngư cụ, Trường Đại học Nha Trang chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ muốn tái hiện lịch sử khai thác thủy sản, mà còn muốn khẳng định vị trí lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, qua đó giúp sinh viên, du khách khi đến Bảo tàng sẽ biết thêm nhiều kiến thức và hiểu giá trị nghề cá”.
Bùi Định