Ngày 7/10/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 7425/BNN-QLCL về việc rà soát, chuẩn bị làm việc với Đoàn kiểm tra của EU về thực hiện khắc phục khuyến cáo liên quan đến IUU.
Bộ NN&PTNT cho biết, theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG-MARE) sẽ sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 – 12/11/2019 để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan đến khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Doanh nghiệp cần chú trọng đến nguồn gốc chất lượng nguyên liệu chế biến – Ảnh: Vũ Mưa
Kết quả của chuyến thanh tra này có tính chất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản vào EU. Để bảo đảm công tác chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra DG-MARE đạt kết quả tốt, Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu vào EU chủ động tập trung nguồn lực thực hiện một số việc như sau:
1. Cập nhật toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về IUU (Luật Thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản…) và nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ (Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) về việc chấp hành Quy định IUU và xác nhận/chứng nhận IUU trong thời gian vừa qua.
2. Khẩn trương rà soát các quy định nội bộ, biện pháp quản lý/giám sát đối với nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu bảo đảm truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm vào EU và đáp ứng các quy định về IUU, cụ thể:
– Thủ tục, quy trình kiểm soát nội bộ nhằm phân tách các lô nguyên liệu khai thác khác nhau trong quá trình thu mua, bảo quản, đưa vào chế biến; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu.
– Lưu trữ đầy đủ, dễ truy cập và khoa học đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu khai thác đưa vào chế biến theo đúng các quy định IUU của EU và của Việt Nam tại doanh nghiệp (file theo dõi điện tử/hồ sơ thực hiện, bao gồm hồ sơ giám sát nguyên liệu tại cảng, hồ sơ về chứng nhận nguyên liệu khai thác trong nước; hồ sơ nguyên liệu nhập khẩu…).
Để đảm bảo công tác chuẩn bị của các doanh nghiệp đạt kết quả tốt, Bộ NN&PTNT giao Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức các Đoàn kiểm tra để thẩm tra thực tế việc chấp hành các Quy định về IUU, khắc phục khuyến cáo Đoàn Thanh tra DG-MARE của các doanh nghiệp có chế biến xuất khẩu hải sản vào EU từ nay cho đến hết tháng 10/2019.
>> Theo thuật ngữ quốc tế (IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì có thể được bỏ qua, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”. Nếu quá thời hạn 6 tháng hoặc qua thời gian được gia hạn mà quốc gia vi phạm chưa khắc phụ khuyến cáo trong án phạt “thẻ vàng” thì có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ” tức là cấm xuất khẩu thủy sản vào EU. Tháng 10/2017, Việt Nam bị EU phạt “thẻ vàng” vì vi phạm khai thác IUU; 9 khuyến cáo được yêu cầu phải khắc phục. Sau đợt kiểm tra đầu tiên vào tháng 5/2018, Việt Nam bị gia hạn “thẻ vàng” thêm 6 tháng sau khi EU thấy một số thiếu sót trong việc thực hiện các khuyến nghị. Tháng 11 tới đây sẽ là đợt kiểm tra tiếp theo của EU đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. |
Phạm Thu