(TSVN) – Trước những thuận lợi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung, tôm nói riêng của Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường đầu tư, mở rộng thị trường nhằm nắm bắt cơ hội.
Nắm bắt cơ hội từ thị trường, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu như một sự đột phá.
Ngay từ đầu tháng 3, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang. Nhà máy này có khuôn viên gần 3 ha, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm mỗi ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn. Sự đầu tư phát triển này sẽ góp phần để Thuận Phước bước vào top 5 doanh nghiệp tôm hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, Thuận Phước cũng có vùng nuôi tôm 200 ha tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát ATTP và cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho nhà máy An An.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty, chia sẻ: “Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát ATTP của Thuận Phước. Nhà máy An An được xây dựng đồng bộ, với hệ thống xử lý nước thải công suất đến 1.500 m3/giờ, bảo đảm môi trường và mục tiêu phát triển bền vững của mình”.
Còn Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có kế hoạch cuối quý I/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, với công suất gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy ở Kiên Giang.
Bên cạnh chiến lược mở rộng nhà máy, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta trước đó cũng nhạy bén nắm thời cơ với 2 nhà máy trong KCN An Nghiệp (Sóc Trăng) công suất 20.000 tấn/năm; cùng đó đã thành lập thêm công ty con. Giám đốc Công ty Hồ Quốc Lực cho biết đã tìm thấy cơ hội quý giá này, thể hiện trong chiến lược phát triển 2021 – 2025 của mình, Sao Ta đã coi đây là thời cơ bứt phá. Theo đó, Công ty đã có các giải pháp căn cơ để đạt mục đích này, bằng việc hình thành thêm doanh nghiệp mới khá lớn, nhằm thu hút thêm khách hàng, đẩy mạnh chế biến nông, thủy sản phối chế, giảm thiểu rủi ro, tạo nhiều cơ hội cho đội ngũ nguồn thể hiện năng lực. Ngoài ra, Sao Ta tiếp tục mở rộng vùng nuôi nhằm tăng sức thuyết phục các hệ thống phân phối thủy sản lớn, nâng cao giá tiêu thụ, tạo cơ hội nâng tầm tôm Việt trên thị trường quốc tế.
Không chỉ mở rộng chế biến tại chỗ, nhiều doanh nghiệp còn tăng nhà máy sản xuất ở các vùng nguyên liệu lớn. Công ty CP Nha Trang Seafood – F17 đã có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Thốt Nốt, Cần Thơ và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hải Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm. Hay Công ty CP Thủy sản Minh Hải đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và ATTP cho cả 3 nhà máy tại Bạc Liêu. Công ty Chế biến và dịch vụ Thủy sản Cà Mau đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.
Cùng tham gia vào cuộc đua về gia tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng tôm, các đại gia ngành tôm tại Sóc Trăng cũng đã có chương trình phát triển hoạt động của mình trong những năm tới như: Stapimex, Cleanfood, Taika, Khánh Sủng… Tại đây, sự hình thành của các doanh nghiệp mới như Công ty Thái Hòa (năm 2019), Khanganfoods (đầu năm 2021) sẽ khiến sự cạnh tranh của ngành tôm thêm sôi động, nhưng sẽ là động lực khiến Sóc Trăng sớm trở thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.
Theo VASEP, ngành tôm đang có lợi thế từ FTAs vừa ký kết và đi vào thực thi. Điển hình, với thị trường EU, nhờ Hiệp EVFTA, EU đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Riêng tháng 1/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 30 triệu USD, tăng 16%; dự báo giá trị xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng trưởng hai con số trong quý I/2021. Hà Lan là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm tỷ trọng 28% và chiếm 3,9% tổng giá trị xuất khấu tôm toàn cầu của Việt Nam. Từ tháng 2/2020 đến nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này hầu như không chịu tác động của Covid-19 và tăng trưởng dương liên tục. Hiện nay có 65 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Hà Lan.
Cùng đó, Nhật Bản cũng là thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm tôm của Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản trong năm 2020, đạt 55,05 nghìn tấn, trị giá 64,4 tỷ Yên (tương đương 608 triệu USD), giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với năm 2019. Mặc dù giảm, nhưng thị phần tôm của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng so với năm 2019.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn thuận lợi và dự báo tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD trong năm 2021 do nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19. Dự báo, giá tôm trên thị trường thế giới sẽ còn tăng trong nửa đầu năm 2021.
Hải Lý