Đổi mới hoạt động, trước hết từ con người

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nhiệm kỳ 2012-2017, nhiệm vụ của Hội Nghề cá Việt Nam đặt ra rộng hơn và nặng nề hơn, đặc biệt trong bối cảnh ngành thủy sản nhiều khó khăn như hiện nay. Để hiểu rõ hơn về công việc của Hội trong thời gian tới, TSVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.

Đổi mới tư duy

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ III (2012-2017) đã kết thúc thành công, được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Hội, ông có thể chia sẻ đôi điều về thành công này?

Đại hội này đã bầu ra Ban chấp hành gồm 78 đồng chí, đại diện cho các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp, hội viên thuộc lĩnh vực thuỷ sản. Đây là lực lượng nòng cốt giúp Hội thực hiện những chương trình, mục tiêu sắp tới và là tiền đề vững chắc cho Hội tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

 Được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Hội, với tôi, đây vừa là một vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn. Tâm đắc nhất của tôi là Hội Nghề cá Việt Nam đã tập hợp được một đội ngũ gồm đông đảo các đồng chí trong BCH, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội, có trí tuệ, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, với nghề, tâm đầu, ý hợp, cùng chung lưng đấu cật vì một mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững và hiệu quả. Theo tôi, yếu tố cá nhân lãnh đạo là quan trọng nhưng sức mạnh của một tập thể BCH trí tuệ, đoàn kết, đồng thuận là quyết định mọi thắng lợi của Hội trong nhiệm kỳ tới.

 

Chủ đề của Đại hội lần này là “Đổi mới hoạt động, tăng cường hợp tác và hội nhập, phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững”, có thể nói, nhiệm vụ của Hội Nghề cá sẽ rất nhiều và nặng nề?

Đổi mới hoạt động trước hết là từ nhân tố con người, cách tư duy và hành động thực tiễn, cụ thể, sát thực với sản xuất của hội viên, ngư dân, làm sao Hội phải chăm lo, hỗ trợ đắc lực nhất cho cuộc sống của hội viên, nông, ngư dân.

Nhiệm kỳ này Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh, hướng tới sự chuyên nghiệp hóa; tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất để có tiếng nói đồng thuận, tạo sức mạnh và động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngoài ra, Hội tiếp tục có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức quốc tế các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, châu Âu, Đông Nam Á… nhằm học tập, chuyển giao khoa học công nghệ và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, phản biện, đề xuất những chính sách, giải pháp liên quan đến phát triển ngành thủy sản; tham gia quản lý cộng đồng; đưa các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần vào phát triển ngành thuỷ sản và thực hiện an sinh xã hội.

 

Hỗ trợ ngư dân

Hiện nay, ngành thủy sản nói chung và người nuôi trồng thủy sản đang phải đối diện với nhiều khó khăn như về con giống, dịch bệnh và đặc biệt là nguồn vốn… Với vai trò là sợi dây liên kết của ngành, Hội sẽ có đề xuất gì để tháo gỡ những khó khăn này, thưa ông?

Sản xuất thuỷ sản bị ảnh hưởng rất lớn về thời tiết, nhất là lĩnh vực khai thác hải sản trên biển; ngoài ra còn phụ thuộc vào thị trường, do vậy, Hội sẽ kiến nghị những vấn đề tháo gỡ khó khăn – nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản; vận động nông ngư dân áp dụng tiến bộ KHCN, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… giúp giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hài hòa giữa người nuôi và chế biến – tiêu thụ, đảm bảo cho người sản xuất có lãi thỏa đáng nhất.

Hậu cần nghề cá được coi là khâu đổi mới đột phá – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ngoài ra, Hội sẽ kiến nghị, đề xuất với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản tăng cường nghiên cứu, áp dụng, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực sản xuất giống, nuôi trồng, dự báo ngư trường, thị trường, xúc tiến thương mại, nhất là chính sách hỗ trợ cho nông, ngư dân. Phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuyển tải KHKT đến người sản xuất một cách tốt nhất.

 

 Hiện nay, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản vẫn tiếp tục bị nước ngoài đe dọa, bắt giữ và đòi tiền chuộc đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Tình trạng này đã xảy ra trong nhiều năm nay, vậy Hội sẽ làm gì để hạn chế?

Hiện nay, khai thác hải sản trên biển luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về thiên tai, thời tiết bất thường. Ngoài ra, việc tranh chấp chủ quyền biển đảo khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của ngư dân… Do vậy, một mặt chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất và khâu dịch vụ hậu cần trên biển thật tốt như: xây dựng tổ đoàn kết – sản xuất trên biển, tăng cường dự báo ngư trường, bảo vệ nguồn lợi, xây dựng những khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền… nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho ngư dân.

Mặt khác, khi ngư dân khai thác trên biển bị nước ngoài bắt giữ, phá hoại tài sản sản xuất…, Hội sẽ có những hoạt động cần thiết cùng các ngành chức năng can thiệp một cách hiệu quả, kịp thời nhất. Như từ đầu năm 2012 đến nay, phía Trung Quốc bắt giữ người, tàu, đòi tiền phạt của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Hội đã có 2 văn bản phản đối gửi Đại sứ quán Trung Quốc, kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao và các ngành chức năng để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Đồng thời, kiến nghị Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam hỗ trợ, động viên gia đình bị nạn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân hiểu, chấp hành đúng luật lệ khi khai thác hải sản trên vùng biển của ta cũng như vùng biển quốc tế.

Hiện nay, Hội đang cùng với ngành chức năng, doanh nghiệp xây dựng “Quỹ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển” sớm đi vào hoạt động, nhằm hỗ trợ một phần rủi ro cho ngư dân trong nghề sản xuất đầy gian khó này.

 

Năm 2012 này, những công việc quan trọng Hội Nghề cá Việt Nam sẽ làm là gì, thưa ông?

Nhiệm vụ xuyên suốt của Hội là bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông, ngư dân, người lao động trong lĩnh vực thủy sản để sản xuất được hiệu quả, bền vững hơn.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu, tập hợp ý kiến và kiến nghị những vấn đề lớn liên quan đến chính sách phát triển thủy sản như: quy hoạch, sản xuất giống, nuôi trồng, khai thác (nhất là khai thác ở những vùng biển xa), chế biến – tiêu thụ sản phẩm cho nông, ngư dân, doanh nghiệp; chính sách giao đất, mặt nước biển để người dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Hội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành chức năng đấu tranh, bảo vệ và giúp đỡ ngư dân khi đi khai thác trên biển được an toàn. Tuyên truyền, vận động ngư dân yên tâm, kiên cường bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với VASEP nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động kết nối thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hội thảo chuyên đề về giống, vốn, thức ăn, nuôi trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông, ngư dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động thi đua lao động sản xuất nhằm góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế – xã hội của ngành và địa phương…

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!