Nghề đi biển của ngư dân thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang phất lên trông thấy, với hàng chục căn nhà khang trang, mới xây. Nhắc đến những tỷ phú làng chài này, không ai không biết đội tàu họ Trần dọc ngang cưỡi sóng đạp gió, hái ra tiền trên Biển Đông…
Làng chài tỷ phú
Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng “lời trách”: “Thôn Đông Hải là một làng chài đang ăn nên làm ra. Ấy thế mà bữa trước, có tờ báo nào đó lại viết là “làng Ô-sin”. Thật không hiểu nổi.” Nói thế, chứ nhắc đến chuyện những tỷ phú làng chài với đội tàu của những người họ Trần, ông như thấy phấn chấn lên hẳn. Bởi, như lời ông, làm lãnh đạo mà nhìn quê hương khởi sắc từng ngày thì có gì sướng bằng!
Xã Lộc Trì có hơn 1.700 hộ dân, trong đó chỉ 3 thôn Đông Hải, Đông Lưu, Lê Thái Thiện với 250 hộ làm nghề đi biển. Ở thôn Đông Hải, những đại gia có “máu mặt” trong nghề đi biển là Trần Vẹm, Trần Thoạn, Trần Lương… Thế hệ ấy bây giờ đã có tuổi; một số người cũng đã gác mái chèo sau một thời ngang dọc, lui về “cố vấn” cho con cháu.
Ngư dân đầu tiên chúng tôi gặp là Trần Chiến (38 tuổi, thôn Đông Hải). Trần Chiến theo cha đi biển từ nhỏ, là con nhà ngư nghiệp nhưng buổi đầu bắt tay làm ăn từ biển với anh cũng không dễ. Lấy vợ từ tuổi đôi mươi, hành trình bám biển mưu sinh của anh cũng bắt đầu từ chiếc ghe ghọ 45 CV đánh bắt gần bờ.
Năm 2006, nhờ chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân, anh tích cóp đóng được tàu 90 CV, cùng anh em trong thôn Đông Hải đánh bắt ven bờ, kết hợp tàu dịch vụ hậu cần mua hải sản từ tàu bạn, mang đến các cảng cá trong và ngoài tỉnh bán. Năm 2008, được gia đình hỗ trợ, anh cùng hai hộ nữa hùn tiền đóng tàu 450 CV. Sau mấy năm làm ăn, số tiền vay mượn đã trả hết, giờ đã cầm chắc trong tay tàu TTH 95527, đánh bắt xa bờ.
Đội tàu xa bờ Lộc Trì đang nằm “nghỉ sức” tại cầu cảng – Ảnh: Nguyễn Khánh
Các ngư trường Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, thậm chí ra tận Hoàng Sa, Trường Sa giờ với anh không còn xa lạ nữa. Trần Chiến kể: “Mỗi chuyến đi, tôi cùng tàu của em rể Văn Thanh (chủ tàu TTH 92026, công suất 450 CV) và những chủ tàu trong nhóm đội đoàn kết rong ruổi cả tháng trời trên Biển Đông. Một nhóm khác chuyên làm dịch vụ hậu cần trung chuyển hải sản từ biển vào bán ở cảng Đà Nẵng; mỗi chuyến mua gom 40 – 50 tấn là thường. Nói chung nghề biển, ai có tàu lớn vươn khơi thì lãi mỗi năm 250 – 300 triệu đồng trong tầm tay”.
Đang mùa biển động, đội tàu đoàn kết trên biển đang nằm nghỉ tại cầu cảng. Tranh thủ những ngày ngư nhàn, anh Trần Đen (36 tuổi, chủ tàu TTH 95644, công suất 700 CV) mua vật liệu, thuê nhân công xây mới căn nhà bên phá Cầu Hai. Cạnh đó, nhiều căn nhà mới toanh cũng được cất lên từ những ngư dân bám biển có tàu xa bờ, làm cả góc “phố chài” khang trang, mang dáng dấp hiện đại.
Trần Đen kể: “Gia đình tôi có cả thảy 6 chiếc tàu công suất 450 – 700 CV, chia cho 6 anh em. Ra khơi, mỗi tàu đến một ngư trường, nhưng thường xuyên giữ liên lạc để vừa đánh bắt vừa thu mua, bán ở cảng cá trong và ngoài tỉnh”. Theo Trần Đen, mỗi chuyến đi, tổng chi phí 60 – 70 triệu đồng, nếu tàu không tổ chức thu mua ngay trên biển thì lãi không bao nhiêu. Đó là chưa tính đến rủi ro nghề nghiệp. Vừa đánh bắt vừa phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, mỗi chuyến trên tàu có 8 – 10 lao động, bình quân thu nhập 7 – 10 triệu đồng/người.
Cùng nhau bám biển
Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, đánh giá: Tổ tàu đoàn kết trên biển ở đây hiện có 25 chiếc; trong đó đa số là anh em, họ hàng với nhau, cùng bám biển mấy chục năm nay. Nhờ đoàn kết, hỗ trợ nhau trên biển, ngư dân ở đây có điều kiện cải hoán, nâng cao công suất tàu; đồng thời giảm rủi ro, tăng hiệu quả đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương”.
Ngoài tương trợ nhau khi tàu bị nạn, các chủ thuyền khi đánh bắt trên biển, tàu nào hết lương thực, nước ngọt hay đá đều được các chủ thuyền chia sẻ với nhau. Như thế vừa tăng hiệu quả đánh bắt vừa giảm chi phí xăng dầu. Không chỉ đoàn kết hỗ trợ giữa các chủ tàu, lao động là bạn thuyền trên tàu cũng được sẽ chia, giúp đỡ khi gặp khó khăn. Anh Huỳnh Đồng (thôn Lê Thái Thiện), một người chuyên đi bạn trên tàu, kể: “Sau mỗi chuyến đi, lãi đều chia cân đối giữa các lao động. Có lần gia đình tôi gặp khó khăn, được chủ thuyền hỗ trợ gạo, cho ứng trước tiền mặt để có chi phí trang trải cuộc sống. Nhờ những giúp đỡ kịp thời đó, tôi có thể bám biển thường xuyên, nuôi con ăn học đàng hoàng”.
>> Ông Trần Thoạn, Chủ tịch Hội nghề cá Lộc Trì cho biết: “Để tổ đoàn kết trên biển duy trì hoạt động hiệu quả, ngoài các phương tiện, chủ thuyền trang bị bộ đàm. Ngay tại nhà tôi cũng có một cái, nhằm thường xuyên nắm chắc thông tin về nhau trên biển, góp phần giảm thiểu rủi ro. Năm 2014, sản lượng đánh bắt của Lộc Trì hơn 5.000 tấn, tăng 1.500 tấn so năm 2013”. |