T2, 06/07/2020 02:05

Dồn lực cho chặng “nước rút”

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam đã rất nỗ lực để khắc phục những khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EC). Thực tế, tại các địa phương ven biển, rất nhiều kết quả tốt được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những giải pháp mang tính khẩn trương và quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn “nước rút” này.

Tốt nhưng chưa đủ

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, kết quả thanh tra lần thứ nhất về việc thực hiện các khuyến nghị của EC vào tháng 5/2018, phía EC đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là đã thể chế hóa 9 khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, EC cho rằng, việc chống khai thác IUU của các địa phương chưa được cải thiện đáng kể và  yêu cầu Việt Nam cần hành động cụ thể, tích cực, mạnh mẽ hơn trong công tác chống khai thác IUU.

Phát biểu tại Hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuối tháng 2/2020; Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, sau gần hai năm rưỡi bị EC cảnh báo “thẻ vàng” lên sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất vào châu Âu, nước ta dồn nỗ lực khắc phục những khuyến nghị của EC và đã có những chuyển biến tích cực. Thực tế cho thấy, ngành đánh bắt thủy sản của nước ta đã có chuyển biến về mặt nhận thức, hành động, thể chế và đang trên lộ trình tiến tới nghề cá có trách nhiệm. Tuy nhiên, chừng ấy những gì đã đạt được vẫn chưa đủ để EC quyết định rút “thẻ vàng”.

tàu cá bình định

 

Cần những giải pháp mới

Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” do vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong khai thác như: Công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu; tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm… Ngoài ra, việc gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam đang chịu thêm những tác động bất lợi khi ngày một nhiều thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan, từ các nước cạnh tranh với Việt Nam để xuất khẩu hải sản vào EU, gây sức ép với phía EC, thậm chí  đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” với lý do Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU, chưa thực hiện đầy đủ Điều 60 “Quy định 14 hành vi được coi là bất hợp pháp”, Điều 61 “Quy định về chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác” trong Luật Thủy sản 2017 của Việt Nam.

Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa, phần lớn các chủ tàu đã nhận thức, có trách niệm trong khai thác hải sản, chủ động thông báo với các cơ quan quản lý thủy sản khi ra, vào cảng, ghi nộp nhật ký khai thác, đánh dấu tàu cá, kẻ biển đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu cá hết hạn đăng kiểm trên địa bàn tỉnh còn nhiều, mặc dù Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương vận động chủ tàu thực hiện đăng kiểm, nhưng do nhiều chủ tàu khai thác thua lỗ, tàu cá phải nằm bờ; nhiều tàu cá không có đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản vẫn ra vào cửa lạch. Một bộ phận ngư dân, chủ tàu thực hiện các quy định về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định chống khai thác IUU còn hạn chế. Cùng đó, cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực tại cảng cá chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, chưa thực hiện việc duy tu, sửa chữa định kỳ…

Còn tại Quảng Trị, theo Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2019 số tàu cá nội tỉnh cập cảng chỉ định còn ít, chỉ chiếm 40%; số lượng tàu từ 15 m trở lên không chấp hành cập cảng chỉ định rất lớn. Một số chủ tàu vẫn chưa quen với quy định khai báo trước khi cập và rời cảng; các thuyền trưởng thiếu nghiêm túc trong việc nộp nhật ký khai thác. Năm trước, số lượng nhật ký nộp cho Ban Quản lý Cảng cá chỉ đạt 34,55% tàu cập cảng. Tuy đã được hướng dẫn nhưng các chủ tàu, chủ hàng vẫn chưa quan tâm đến việc đề nghị cấp giấy xác nhận và chứng nhận thủy sản từ khai thác; một số chủ tàu, ngư dân cho rằng, những công việc này phức tạp, rối rắm.

Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 – 5/6/2020, đoàn kiểm tra của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 tình hình triển khai công tác khắc phục các khuyến nghị của EC, nhất là chống khai thác IUU. Nếu lần này Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu, nhất là vẫn còn tồn tại tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài thì chẳng những EC sẽ không thu hồi “thẻ vàng” mà còn nguy cơ bị nhận “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu.

>> Hiện cả nước đã có hơn 13.000 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên, đến nay tiến độ lắp đặt tại nhiều địa phương còn chậm. Theo lộ trình, đến ngày 1/4/2020 phải lắp đặt xong cho tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m…


Nhóm PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!