Thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành thủy sản thường xuyên tổ chức thả nhiều loại giống thủy sản xuống sông, biển nhằm tái tạo nguồn lợi. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt vẫn còn tiếp diễn.
Kiểm tra và thả cá giống thường niên trên sông Nhật Lệ.
Năm 2018, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, qua đó, tiến hành thả 80 vạn giống tôm và 7,4 vạn giống cá nước ngọt về các thủy vực tự nhiên với tổng kinh phí 300 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, qua vận động, tuyên truyền, UBND các huyện, thị xã đã thả thêm 57 vạn giống tôm và 9,16 vạn cá tự nhiên trên địa bàn. Hoạt động thường niên này nhằm mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là khi nguồn thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, tuyệt đối không sử dụng các ngư cụ khai thác kiểu tận diệt.
Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn xảy ra tình trạng người dân dùng xung điện, chất nổ, ngư cụ có kích cỡ mắt lưới không bảo đảm quy định hoặc khai thác thủy sản ồ ạt trong mùa sinh sản. Thậm chí, các loại giống thủy sản được thả để tái tạo nguồn lợi cũng bị… mắc lưới. Cuối năm 2018, mặc dù biết việc thả giống thủy sản nhằm tái tạo nguồn lợi hải sản ven bờ, nhưng một số ngư dân hành nghề lưới kéo (giã cào) vẫn quăng lưới ngay sau khi việc thả giống kết thúc.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Triều Vỹ, du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: “Thủy hải sản ở Quảng Bình rất ngon và ngọt. Tuy nhiên, một số nhà hàng nơi đây vẫn bán tôm hùm “sữa”, 1 kg tầm 800-900 nghìn.
Mặc dù bán sẽ vẫn có người mua, tuy nhiên, nghĩ cho cùng lại rất lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu để tôm hùm lớn hơn mới đánh bắt sẽ vừa đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân vùng biển, vừa bảo tồn hệ sinh thái”. Theo thống kê của ngành thủy sản, tỷ lệ hải sản có kích thước nhỏ và rất nhỏ bị đánh bắt chiếm hơn 60% tổng sản lượng người dân thu được.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hoàng Văn Thông, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản, bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp, cần thiết phải có sự hợp tác của người dân.
Bởi thực tế, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ chính là giúp người dân nâng cao thu nhập. Để bảo đảm nguồn lợi thủy sản duy trì và phát triển lâu dài, hàng năm, “đến hẹn lại lên”, các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được các địa phương thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 3.
Thiết nghĩ, ngoài việc thả giống thủy sản, việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của ngành chức năng và chính quyền các cấp, không phải của riêng ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ ngành Thủy sản khảo sát, nghiên cứu xây dựng các khu bảo tồn thủy sản ở các sông Nhật lệ, sông Dinh và sông Gianh… Trên cơ sở đó, cần đánh giá trữ lượng, xây dựng hệ thống dữ liệu về đối tượng, sản lượng thủy sản ở các khu vực để có giải pháp bảo vệ và phát triển hiệu quả.
Hiền Phương
Theo Báo Quảng Bình