(TSVN) – Đây là một nhiệm vụ được đặt ra cho vùng Đông Nam bộ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những mục tiêu của Chương trình hành động này là đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8 – 8,5%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%.
Khu nuôi hàu tại vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ST
Trong giải pháp phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng, Chương trình hành động nhấn mạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng nuôi trồng thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc, gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học. Đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Cùng đó, phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển. Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản…
Bảo Hân