Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh TT- Huế có kế hoạch đóng mới 45 chiếc tàu xa bờ có công suất 400CV trở lên.
Tuy nhiên, “điểm” qua một vài cơ sở đóng, sửa chữa tàu ở TT- Huế, mới thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Trong không khí làm việc tấp nập tại cơ sở đóng, sửa chữa tàu của Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) với hàng chục công nhân, nhưng vẫn không thấy một chiếc tàu nào được đóng mới.
Ông Phạm Bá Hiếu, GĐ Công ty cho biết, là cơ sở đóng, sửa chữa tàu lâu đời, ngư dân ở TT- Huế đều đặt hàng đóng tàu từ cơ sở của ông. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vẫn chưa đảm nhận đóng mới tàu công suất lớn được, không phải từ lý do kỹ thuật, trang thiết bị hay con người mà do yếu tố mặt bằng.
Nhiều xưởng đóng tàu ở TT- Huế chủ yếu phục vụ cải hoán tàu là chính
Theo quy định của Nghị định 67 của Chính phủ, mặt bằng đóng, sửa chữa tàu phải mở rộng lên 3.000 m2 nhằm đảm bảo các điều kiện nâng cao năng lực SX tàu đánh bắt xa bờ từ 400CV trở lên. Nếu không được mở rộng diện tích thì các cơ sở không được phép đóng mới tàu xa bờ có công suất lớn. Đây là một thực tế gây khó khăn cho nhiều cơ sở đóng, sửa chữa tàu.
Ông Hiếu cho biết thêm, cơ sở của Công ty có diện tích mặt bằng hơn 2.000 m2, bãi chứa trên dưới 30 chiếc tàu. Ngoài 15 thợ, công nhân thường trực, có kinh nghiệm đóng tàu thuyền 10 năm trở lên, còn có từ 30 – 40 thợ được các chủ thuyền thuê tham gia sửa chữa tàu tại xưởng.
Trong thời gian qua, Công ty đã đầu tư thêm trang thiết bị, cũng như kiện toàn nhân lực nhằm nâng cao năng lực đóng, cải hoán tàu của Công ty.
Nếu so với trước đây, một chiếc tàu của ngư dân đặt đóng mới, cơ sở đóng mất 6 tháng, thì hiện nay, với đội ngũ công nhân, thợ và trang thiết bị máy móc hiện đại, mỗi tháng Công ty có thể đóng từ 1 – 2 chiếc tàu công suất lớn và cải hoán 10 chiếc tàu từ 400 CV trở lên.
Ngồi giở chi chít các thông số, ông Hiếu giới thiệu: Các điều kiện về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc của Công ty đều đáp ứng yêu cầu sản xuất tàu công suất lớn, như hệ thống đường truyền đà (sức nâng lớn nhất 100 tấn), động cơ kéo tời 5KW và các thiết bị máy khoan, tời kéo tàu, hệ thống đường triền dọc, hai đường triền ngang… được đảm bảo.
Công ty vừa mới đầu tư thêm máy nén, máy phun sơn nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như đòi hỏi kỹ thuật của việc đóng tàu mới.
Riêng việc đóng tàu vỏ sắt thì hiện tại cơ sở không đáp ứng được yêu cầu về năng lực con người và trang thiết bị do thiếu máy uốn sắt, bãi đà, mặt bằng hẹp và phải có từ 3 kỹ sư trở lên. Ngoài ra, hiện tại các cảng biển, khu neo đậu tàu vỏ sắt công suất lớn trên địa bàn tỉnh TT- Huế chưa đáp ứng yêu cầu do qua thời gian, luồng lạch bị cạn, bồi lắng phải nạo vét liên tục.
Trước những khó khăn về mặt bằng, hiện tại ông Phạm Bá Hiếu đã làm việc với UBND thị trấn Thuận An nhằm xúc tiến các thủ tục liên quan để xin thuê đất mở rộng mặt bằng. Với 2.000 m2 hiện có, diện tích mặt bằng đóng tàu của cơ sở cần thêm 1.000 m2 để sử dụng làm địa điểm uốn ván tàu. Công ty cũng đã chọn vị trí, địa điểm thích hợp để mở rộng mặt bằng, nằm gần cơ sở hiện tại.
Một cơ sở nữa ở thị trấn Thuận An cũng đang vướng những khó khăn về mặt bằng khi đóng tàu công suất lớn là cơ sở của ông Nguyễn Văn Phong. Hôm chúng tôi đến, cơ sở của ông Phong đang chuẩn bị hạ thủy chiếc tàu 250 CV cho một ngư dân ở thị trấn Thuận An.
Ngồi trò chuyện, ông Phong cho biết, vừa nhận hợp đồng đóng mới 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất 400CV/chiếc của các ngư dân ở xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc). Nhưng cơ sở chưa thể thực hiện được vì vướng Nghị định 67 về quy định diện tích mặt bằng phải đảm bảo 3.000 m2 trở lên. Trong khi đó, mặt bằng của cơ sở chỉ 1.250 m2.
Thực tế, với diện tích trên, cơ sở này đã từng đóng mới tàu công suất lớn 400CV. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu mặt bằng để đóng và cải hoán tàu xa bờ theo quy định. Hiện ông Nguyễn Văn Phong còn thiếu đến 1.750 m2, ông đã làm các thủ tục trình UBND thị trấn để được cấp phép cho thuê đất mở rộng diện tích mặt bằng lên 3.000 m2.
Ông Phong cho biết thêm, cơ sở đang tiến hành nâng cấp đường dây hạ thủy tàu ngay tại xưởng, kinh phí dự kiến khoảng 500 triệu đồng. Hiện nguồn vốn gặp khó khăn, ông Phong hy vọng có thể được vay vốn theo Nghị định 67 để nâng cấp hạng mục này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, UBND thị trấn đã có hướng dẫn thủ tục thuê mặt bằng đối với các chủ cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền tại địa phương nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở được đóng mới, cải hoán tàu xa bờ.
>> Chi cục Khai thác – BVNLTS tỉnh TT- Huế cho biết, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, kế hoạch của tỉnh sẽ đóng mới 45 chiếc tàu xa bờ có công suất 400CV trở lên (trong đó 40 tàu đánh bắt và 5 tàu hậu cần). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đóng mới 11 chiếc có công suất trên 400CV. |