Ông Nguyễn Thế Hanh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết: Qua hoạt động theo dõi và thống kê năm 2019, Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận được 77 loài; trong đó, có 13 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao
13 loài cá này gồm: cá dày, hô, duồng, leo, lóc bông, ét mọi, ngựa nam, trèn bầu, trê vàng, trê trắng, mề rỗ, thát lát còm, mây đá; đồng thời phát hiện 3 loài ngoại lai như: lau kiếng, rô phi vằn và mè hoa.
Để bảo tồn và phát triển các loài cá bản địa, Vườn quốc gia Tràm Chim đã thả bổ sung các loài cá quý hiếm gồm: 4.200 con cá hô và 50 kg cá trắm cỏ. Đặc biệt, đã làm mới 20 mẫu tiêu bản trên 112 mẫu của 104 loài tiêu bản thủy sản là: cá hô, dày, trê vàng, lóc bông, thát át còm, sặc rằn và xây dựng 6 bể kính lớn lưu giữ các loài lươn đồng, cá lóc đồng, cá cóc, cá ét, bống tượng, mè dinh; Cứu hộ, tiếp nhận và thả về tự nhiên nhiều loài bò sát như: 15 cá thể trăn đất, 25 cá thể càn đước, 457 cá thể rùa ba gờ và rùa răng, 600 cá thể ba ba, 127 kg rắn nước và rắn bông súng…
Thả cá giống về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Tràm Chim còn triển khai thực hiện ế hoạch “Thử nghiệm mô hình nuôi vỗ thành thục và sinh sản nhân tạo loài cá trê trắng có nguy cơ tuyệt chủng”. Kết quả, đã có khoảng 9.600 con cá trê trắng bột được thả tại Vườn, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh vật, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.