Trong đó, Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Cùng đó, phân vùng nuôi cá tra thương phẩm theo 2 vùng. Vùng nuôi chính tiếp […]
Trong đó, Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, phát triển vùng nuôi cá tra sạch, bền vững gắn với quy trình, quy chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Cùng đó, phân vùng nuôi cá tra thương phẩm theo 2 vùng. Vùng nuôi chính tiếp giáp với sông Tiền, sông Hậu, các kênh rạch lớn tập trung ở huyện, thành phố có tiềm năng như các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự; vùng nuôi phụ là các huyện, thành phố còn lại (trừ huyện Tháp Mười). Phấn đấu 100% cơ sở nuôi cá tra trong quy hoạch được cấp mã số nhận diện theo quy định (giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực); trên 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn trong nuôi trồng thuỷ sản (VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP…) và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Đồng Tháp phấn đấu 100% vùng nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện theo quy định. Ảnh: ST
Đồng thời, hỗ trợ chọn tạo giống cá tra nhằm nâng cao chất lượng con giống, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng; tăng cường quản lý giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất giống, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc về di truyền tăng trưởng nhanh, thích ứng tốt với dịch bệnh và môi trường. Phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền.
Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau fillet như bột xương làm thực phẩm, collagen dược phẩm, dịch thủy phân protein cá tra, phân bón sinh học từ phụ phẩm… nâng cao giá trị ngành hàng cá tra; Nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp và người sản xuất có thông tin về hàng rào kỹ thuật, kênh phân phối, nhu cầu của người tiêu dùng. Phấn đấu đạt mục tiêu chung của ngành cá tra là chiếm 10 – 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng…
Ngoài ra, hoàn thành cơ sở dữ liệu về lĩnh vực thủy sản của tỉnh, trong đó có các dữ liệu về cá tra nhằm minh bạch hóa thông tin sản xuất và truy xuất nguồn gốc góp phần hình thành hệ sinh thái số. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bảo Hân