(TSVN) – Là những người phụ nữ làng biển “chân yếu tay mềm”, nhưng khi lựa chọn nghề đục đá tìm hàu để mưu sinh, họ phải chấp nhận ngâm mình hàng giờ liền dưới nước, bất kể nắng mưa…, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Từ 3 giờ chiều khi thủy triều rút dần để lộ nhiều bãi đá ngầm dọc bãi biển thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đây cũng là lúc người dân mang theo xô nhựa miệt mài đục hàu, bắt ốc. Nhiều người dân đục hàu về sử dụng trong gia đình hoặc bán cho nhà hàng, quán ăn.
Bà Nguyễn Thị Quyết, xã Bình Hải xách giỏ mang theo găng tay, lon nhựa và một con dao nằm gọn trong lòng bàn tay để tách ruột hàu khỏi vỏ. Trên bãi đá “lộ thiên”, nhiều phụ nữ mang áo quần chống nắng, đi dép nhựa, mang găng tay cặm cụi gõ “cóc… cóc…cóc” vào mặt đá. Đôi tay bà Quyết lật từng hòn đá tìm con hàu, rất nhanh chóng tách lớp vỏ hàu bên ngoài, dùng con dao nhỏ lấy hàu sữa bên trong và cho vào lon nhựa. Những con hàu sữa trắng phau nhỏ xíu ở miền biển này rất được ưa chuộng.
“Con hàu sữa trên đá bờ biển có vị ngọt và ngon hơn hàu ở vùng sông rất nhiều. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch đến nay, vào mùa nước cạn, bãi đá thôn Thanh Thủy xuất hiện rất nhiều hàu, bà con đi đục về dùng hoặc bán”, bà Quyết nói.
Theo chân những người đi đập hàu, chúng tôi mới thấm hết những truân chuyên, vất vả của những người sống bằng nghề này. Dụng cụ bắt hàu rất đơn giản, chỉ là một cái giỏ, một chiếc dao; nhưng để thu hoạch được hàu, người ta phải lặn mấy giờ liền dưới nước, dùng dao gỡ lấy những con hàu bám ở các rạn san hô dưới đáy nước, rồi sau đó mang về nhà đập vỏ để lấy phần ruột bên trong. Chỉ một chút sơ ý là có thể bị đứt tay, đứt chân bởi vỏ hàu rất sắc, nên ngoài giỏ đựng và dao đục hàu, người làm nghề này còn trang bị thêm tất và bao tay thật dày để bảo vệ mình trước chiếc vỏ sắc bén của hàu.
Bà Nguyễn Thị Tí, xã Tịnh Hòa cho hay, vất vả, cơ cực là thế, nhưng với nhiều phận đời nghèo khó nơi làng chài ven biển, hàu là “lộc trời”, giúp họ có thu nhập nuôi sống gia đình. “Phụ nữ làng biển chúng tôi, ngày trước đâu có học hành nhiều, nên ngoài việc “bám” vào con hàu để phụ chồng tiền rau cháo, chúng tôi còn biết làm gì hơn. Vất vả mấy, cũng gắng chịu thôi”, bà Tí đang ngâm mình dưới nước để lặn hàu ở cửa biển Sa Kỳ cho biết.
Đục hàu là nghề phải nương chờ con nước thủy triều xuống, nên người làm nghề cứ rong ruổi mãi theo con nước, chứ không làm việc theo giờ giấc cố định. Vào 19h, trái ngược với cái nắng oi bức của ban ngày, trời về đêm bắt đầu se lạnh. Nhưng những người phụ nữ làm nghề “săn” hàu vẫn tranh thủ dùng đèn pin để soi hàu trong đêm và mải miết tìm, đục gõ bắt hàu dưới dòng nước đen ngòm, lạnh ngắt.
Theo bà Tí, với giá hàu ở mức 150.000 – 200.000 đồng/kg, người dân ven biển có nguồn thu nhập. “Từ lúc sinh ra đến giờ, biển luôn gắn bó với cuộc sống của chúng tôi. Tôi chọn nghề đục hàu để kiếm sống, cái nghề mà chị em miền biển chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau là nghề “đục đá kiếm lúa”; bởi miền biển không có ruộng để sản xuất, từ nghề đục hàu đã giúp chị em có thêm thu nhập để mua lúa, gạo và lo cho các con ăn học”, bà Tí bộc bạch.
Tận mắt thấy những người phụ nữ làm nghề đục hàu mới hiểu hết sự chịu thương, chịu khó của họ. Cần mẫn tìm kiếm, gỡ từng con hàu ra khỏi những khối đá sắc nhọn, dẫu biết vất vả, nhưng các chị, các mẹ đều luôn nở những nụ cười lạc quan.
Hàu sau khi được khai thác từ các bãi đá sẽ được người dân đem về tách vỏ rồi bán cho các thương lái, hoặc đem ra chợ để tiêu thụ. Hàu ở bãi đá ven biển Quảng Ngãi luôn được người dân, các nhà hàng hải sản, khách sạn, quán ăn trên địa bàn ưa chuộng, bởi vị ngọt đặc trưng và nhiều chất bổ dưỡng. Món hải sản nhiều dinh dưỡng này có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như hàu nướng, cháo hàu…
Như Đồng