Cảng cá Thạch Kim (H. Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một trong những cảng cá lớn nhất nhì của tỉnh Hà Tĩnh. Gần đây cảng bị bồi lắng, làm cạn dòng chảy, gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng. Hơn thế nữa, hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị tại cảng cũng bị xuống cấp trầm trọng.
Việc đầu tư, sửa chữa và nâng cấp cảng là điều rất cần thiết, góp phần phát triển ngành nghề bền vững, cũng như thu hút tàu thuyền từ nhiều tỉnh thành khác trong và ngoài nước có thể cập cảng để giao thương, trao đổi, mua bán thủy hải sản.
Dự án nâng cấp, sửa chữa cảng cá Thạch Kim thuộc một hợp phần trong Dự án “nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 6/2014, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa số các hạng mục đang thi công dang dở thì phải dừng lại do gặp phải sự cố. Nguyên nhân được xác định: do sai sót trong quá trình khảo sát thiết kế. Với những gì đang xảy ra tại hiện trường như hiện nay, chưa biết đến bao giờ dự án có giá trị đầu tư lên đến 28 tỷ đồng này mới hoàn thành.
Hệ thống đài chứa nước không thể thực hiện vì gặp sự cố trong khi đóng cọc.
Như tại gói thầu đường nội bộ trong khuôn viên cảng cá (kinh phí gần 15 tỷ đồng), sau khi triển khai được một phần rất nhỏ thì gặp sự cố cát chảy. Cụ thể, khi tiến hành thi công đoạn đường nội bộ ở cầu cảng thì bị cát từ trong cảng chảy ra với tần suất lớn làm đổ gãy hệ thống cự chống bảo vệ ngoài mái thượng lưu cảng. Lẽ ra ban đầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải đóng hệ thống cự cắm sâu xuống lòng đất để bảo vệ hiện tượng cát chảy. Tuy nhiên, quá trình đóng hệ thống cự đã gặp phải nhiều tầng đá rắn nên không thể thực hiện.
Tương tự, tại gói thầu xây dựng đài chứa nước phục vụ nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ hệ thống trong cảng cũng phải dừng lại. Nguyên nhân, trong quá trình đóng cọc (có độ sâu khoảng 20 m) đã gặp phải tầng đá rắn, nên các cọc bê-tông đều bị gãy ngang, không thể đóng xuống được. Ngoài ra, ở các hạng mục còn lại như nhà phân loại cá, nhà rửa cá, sân phơi, mương thoát nước cũng đang còn rất nhiều khối lượng công việc chưa hoàn thành. Thậm chí có những hạng mục không thể triển khai. Nhiều đơn vị thi công sau tập kết phương tiện máy móc và nguyên vật liệu để thi công, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều sự cố bất thường nên buộc họ phải dừng lại. Trước những trở ngại tại hiện trường, đơn vị thi công đã nhiều lần đề xuất chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tìm phương án mới nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có phương án nào khả thi.
Hiện tại, tất cả các hạng mục trong dự án đã phải dừng thi công suốt nhiều tháng nay. Để có phương án mới, Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đang trình hồ sơ chờ phương án thiết kế mới để nhà tài trợ là Ngân hàng thế giới phê duyệt. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là sẽ làm tăng chi phí đầu tư và với những khắt khe của nhà tài trợ, phương án thiết kế mới chưa biết bao giờ mới được thông qua.
Để xảy ra sự cố đáng tiếc trên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan chức năng Hà Tĩnh là: liệu trong quá trình khảo sát thiết kế, đơn vị lập thiết kế (Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Thành Sen Hà Tĩnh) có tổ chức thăm dò, khảo sát địa chất hay không? Và, chủ đầu tư lẫn các đơn vị liên quan khác có lơ là trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án hay không? Rất cần có câu trả lời thỏa đáng.