(TSVN) – Rầm xanh là loài cá quý, chúng lại chỉ sinh sản, sinh trưởng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều địa phương đã nuôi và cho sinh sản thành công loài cá vừa có giá trị kinh tế cao vừa giàu dinh dưỡng này.
Rầm xanh hay dầm xanh (Bangana lemassoni) là một loài cá trong họ cá chép Cyprinidae. Cá Rầm xanh sống ở đáy và kề đáy, nơi nước trong, nước chảy, đáy nhiều sỏi đá và rong rêu. Cá xuất hiện nhiều vào mùa đông (mùa cá đẻ) còn các mùa khác ít thấy. Cùng với cá Anh Vũ, Lăng, Chiên và Bỗng thì Rầm xanh được xem là loại cá quý của các dòng sông phía Bắc được dân gian xưng tụng là “ngũ quý hà thủy”.
Viền của môi trên của cá nhô ra có nếp nhăn rãnh ngang. Miệng dưới, hướng ngang, có hình cong. Hàm dưới và môi dưới tách rời thành rãnh sâu. Viền môi trên có khía tua nhỏ không rõ ràng. Phía trong môi dưới và phía cạnh có mấu thịt tròn, nhỏ, dầy. Râu có 2 đôi. Mắt tương đối lớn, nắm ở mé trên. Khoảng cách mắt rộng. Màng mang liền với eo mang. Thân cá màu nâu xám, bụng trắng nhạt. Phần gốc vẩy trên thân có đốm đen. Vây lưng có viền hơi đen. Các vây khác màu xám. Vây lưng không có gai cứng, viền sau bằng hoặc hơi lồi, trước khởi điểm vây bụng, gần mõm hơi gốc vây đuôi. Ruột cá rất dài gấp nhiều lần chiều dài thân. Vây hậu môn có khởi gần khởi điểm vây bụng hơn gốc vây đuôi, mút sau chưa tới gốc vây đuôi. Vây ngực mút sau cách gốc vây bụng 6 vẩy. Vây bụng kéo dài vượt quá hậu môn. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là tảo bám ở đáy, mùn hữu cơ và một số loài động vật không có xương sống cỡ nhỏ. Hiện nay, loài cá này phân bố chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở nước ta, chúng sinh sống ở các con sông lớn như sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Mã.
Rầm xanh là một trong những loài cá quý có xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt trứng bùi ngậy rất hấp dẫn. Là loài cá có tốc độ tăng trưởng chậm, những con lớn nhất tìm thấy có khối lượng từ 6 – 7 kg. Cá có thể thành thục và sinh sản khi đạt 2 tuổi. Hàng năm, đến mùa sinh sản, cá thường chui vào các hang động để đẻ trứng. Mùa vụ khai thác từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, kích cỡ dao động từ 0,5 – 1,5 kg/con.
Và cũng do có giá trị lớn nên những loài cá này ngoài tự nhiên hiện đang bị khai thác rất mạnh khiến sản lượng cá giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay cá Rầm xanh được đưa vào Sách đỏ Việt Nam ở cấp độ VU cần được bảo vệ; chính vì thế, chúng càng trở nên quý và hiếm.
Để phát triển nghề nuôi cá quý hiếm, từ 2013 – 2016, Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản – Viện Nghiên cứu NTTS I đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá Rầm xanh bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang”. Sau hơn 3 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo từ đàn cá Rầm xanh bố mẹ thu thập ngoài tự nhiên.
Hay như tại Hà Giang, Trung tâm Thủy sản tỉnh cũng đã nghiên cứu, nhân giống loài cá này và thu được kết quả như mong đợi. Sau 10 tháng nuôi thuần dưỡng, cá bố, mẹ và cá hậu bị đã quen với môi trường nước chảy và sử dụng thức ăn công nghiệp; tỷ lệ ương giai đoạn từ hương lên giống đạt 28%.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu nhân giống loài cá đặc sản Rầm xanh tại Trung tâm Thủy sản Hà Giang, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình nhân giống chính là việc tìm và chọn loài cá bố, mẹ. Để tìm được giống tốt, nhóm đề tài đã dành rất nhiều thời gian để đến các nơi cá phân bổ; sau đó, tiến hành thử nghiệm các bước nhân giống. Vì đây là những nội dung nghiên cứu hoàn toàn mới, nên phải thử nghiệm các phương pháp thụ tinh khác nhau; thụ tinh khô, thụ tinh ướt hay bán ướt để kiểm tra hiệu quả nhằm tìm ra phương pháp thụ tinh đạt cao nhất”.
Đến nay, cá Rầm xanh đã trở thành đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương như Tuyên Quang, Hà Giang… So với những loài cá khác thì cá Rầm xanh có khả năng kháng bệnh rất tốt; đặc biệt, cá có thể chống lại thời tiết giá rét nên thích hợp nuôi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc – nơi thượng nguồn nước sạch của nhiều con sông lớn ở nước ta.
Nguyễn An