Đừng để người dân “tự bơi” mãi!

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc nuôi TTCT ở vùng nước ngọt nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu họa và tạo tiền lệ xấu cho việc quản lý giống vật nuôi. Sở NN&PTNT Đồng Tháp và chính quyền địa phương đang xúc tiến các giải pháp xử lý, quản lý vùng sản xuất nông nghiệp, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ quy hoạch ở địa phương.

Tỉnh Đồng Tháp không có nguồn nước lợ tự nhiên nhưng một số hộ nông dân đã tự phát nuôi thử; ban đầu có người nuôi “trúng” nên cứ ngỡ thành công. Các hộ nuôi TTCT ở vùng nước ngọt đã sử dụng nguồn nước ngầm tự nhiên thay cho nước lợ, kết hợp với một số biện pháp xử lý đáy ao bằng muối, để tăng độ mặn cho nước ao nuôi. Tuy một số hộ đã đạt kết quả bước đầu, nhưng nếu nhân rộng diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy: biến đổi môi trường sinh thái, đất bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa.

Mặt khác, Đồng Tháp có vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh mùa lũ, mỗi năm có gần 500 ha nuôi tôm cho sản lượng xuất khẩu khá lớn. Chính vì thế nông dân tìm tòi mở rộng nuôi đối tượng khác, như TTCT, bằng cách hạ độ mặn, thuần nước ngọt giai đoạn tôm còn nhỏ và đã mang lại hiệu quả không ngờ. Do đó, tỉnh cấm nuôi TTCT trong vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh, đồng thời cấm khoan giếng lấy nước ngầm nuôi tôm.

Người nuôi tôm vẫn đang phải “tự bơi” – Ảnh: Phan Thanh Cường

Tuy nhiên, quyết định không cho phép nuôi tôm trong vùng nước ngọt đã khiến nhiều nông dân than phiền, bởi, hơn 3 năm nay, hàng loạt hộ nuôi cá tra lỗ thê thảm do rớt giá; trong khi đối với cây lúa, gần đây giá giảm liên tục nên nông dân làm quần quật nhưng chẳng được gì, họ phải tìm cách để tạo nguồn thu nhập và chăm lo cuộc sống. Có thể nói, nông dân bây giờ rất hoang mang không biết định hướng đâu mà lường. Việc nuôi con gì, trồng cây gì mà Nhà nước khuyến cáo thì sớm hay muộn cũng rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá” không tiêu thụ được…

Mặt khác, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn luôn khuyến cáo nông dân cần phải sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Nhưng ai là người tìm thị trường và thị trường ở đâu thì mù tịt. Chính vì thế mà những nông dân Đồng Tháp phải tự “cứu mình” bằng cách tự phát nuôi TTCT trong vùng nước ngọt, bởi trước mắt nuôi TTCT đang chứng minh hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều ý kiến đề xuất, Nhà nước nên tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng như thủy sản, lúa gạo… một cách có hệ thống theo chuỗi giá trị. Phải tìm được thị trường rồi mới tổ chức cho nông dân sản xuất, theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tích cực cho từng công đoạn của chuỗi giá trị đó. Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nên tái cơ cấu các tổng công ty theo hướng có nhiều chuyên viên thông thạo ngoại ngữ và sành sỏi thị trường quốc tế (trước mắt là thị trường Trung Quốc, châu Phi…) để tìm đầu ra lâu dài, ổn định cho nông sản.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh mới đây cũng đã lưu ý, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần đi vào cụ thể từng sản phẩm sản xuất gắn với thị trường, mà vấn đề hợp tác là rất cần thiết; bởi không liên kết thì sản xuất nông nghiệp cứ bấp bênh. Vấn đề chính sách cho nông nghiệp cần nghiên cứu theo nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những bức xúc đặt ra. Trong phát triển “tam nông”, nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nông dân cũng đóng vai trò chính yếu. Vì vậy, đừng để nông dân “tự bơi” mãi trong thời buổi xuất khẩu nông sản phải cạnh tranh quyết liệt và chịu nhiều rủi ro…

Yến Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!