Khai thác thủy sản quá mức đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng với tất cả các đại dương trên thế giới. Bảo tồn nguồn lợi song hành phương thức đánh bắt bền vững được coi là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này.
Đại dương sẽ trống rỗng?
Với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ nguồn lợi thủy hải sản sẽ bị cạn kiệt tới năm 2050. Quay trở lại năm 2008, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra số liệu báo cáo chính thức về lượng thủy sản khai thác của Samoa thuộc Mỹ thấp hơn gần 17 lần so con số đánh giá thực tế của các nhà khoa học. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, 1/3 trữ lượng thủy hải sản tên toàn cầu sẽ biến mất. Theo số liệu mới nhất hiện nay, 2/3 thủy sản trên toàn thế giới đang bị khai thác quá mức và sẽ bị tận diệt nếu chúng ta không có biện pháp bảo tồn nguồn lợi kịp thời. Theo FAO, 87% các loài cá tự nhiên trên toàn cầu đang bị khai thác thiếu bền vững. Trong một thập kỷ qua, đã có rất nhiều loài cá ăn thịt như cá ngừ bị suy giảm nguồn lợi tới 90% dẫn tới tình trạng mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Ngành khai thác cá ngừ là ví dụ điển hình nhất về nạn khai thác quá mức. Nhiều nhà khoa học quốc tế cho rằng trữ lượng cá ngừ vây xanh đại dương đang được khai thác thiếu bền vững và loài cá này sẽ tuyệt chủng trong 3 năm tới với tốc độ khai thác như hiện nay. Đó là lý do mà Mỹ và một số nước thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm buôn bán quốc tế với các loài cá giá trị cao. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tới nay, Nhật Bản – quốc gia tiêu thụ cá ngừ vây xanh lớn nhất thế giới, lại không tuân thủ lệnh cấm.
Ảnh: Internet
Cách đây cả nghìn năm ở châu Âu, cá nước ngọt ít được quan tâm bởi ngư dân bị đẩy ra ngoài khơi để khai thác cá biển, phục vụ xã hội thượng lưu. 500 năm trước, các loài hải sản khu vực ven biển đã có dấu hiệu suy giảm nên các đoàn thuyền lưới kéo đáy phải tiến ra khơi xa để sinh tồn. Ngày nay, cá trích ngoài khơi phía Bắc Maine đã gần như cạn kiệt, đó là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự tàn phá nguồn lợi thủy hải sản của loài người.
Chung sức bảo tồn nguồn lợi
Từ tháng 5/2010, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOOA) đã công bố bản báo cáo tình hình khai thác thủy sản tại Mỹ. Tín hiệu khả quan là đã có 4 loài cá đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau nhiều năm bị khai thác quá mức, gồm cá kiếm Atlantic, cá mùi scup Atlantic, cá chẽm Atlantic và cua huỳnh đế đảo St Matthew’s. Cũng theo báo cáo này, 85% thủy hải sản tại Mỹ đang được khai thác bền vững.
Nhiều quốc gia có thể kiểm soát được hải phận của mình nhưng một số lại tỏ ra yếu kém vì hệ thống luật lệ quá lỏng lẻo. Lybia là một ví dụ điển hình cho thấy sự bất lực trước tình trạng khai thác quá mức ngay trên hải phận do thiếu bàn tay cứng rắn của luật pháp. Cho dù các nhà khoa học có vào cuộc và đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng, nhưng nếu luật lệ không cứng rắn thì mọi kế hoạch bảo tồn nguồn lợi sẽ khó được thực hiện. Với trường hợp cá ngừ vây xanh, hạn ngạch thông thường là 15.000 tấn/năm nhưng thực tế lượng khai thác hàng năm vẫn vượt lên 60.000 tấn vì hệ thống luật quản lý lỏng lẻo, đã để lọt lưới rất nhiều tổ chức khai thác cá ngừ trái phép.
Người tiêu dùng cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống nạn khai thác quá mức. Mặc dù, không phải ai cũng có thời gian tham gia và theo dõi hoạt động của các tổ chức bảo tồn biển và động vật như Sea Shepherd hoặc trực tiếp chống lại những ngư dân khai thác trái phép nhưng người tiêu dùng có thể đóng góp công sức bằng cách đơn giản đó là đảm bảo chỉ mua những sản phẩm khai thác bền vững, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.
Nếu thiếu sự hành động tầm vóc quốc gia và quy mô quốc tế, thì những hành động mang tính cá nhân sẽ hoàn toàn bất lực trước nạn khai thác thủy hải sản quá mức. Tuy nhiên, cắt giảm lượng thủy hải sản trong khẩu phần ăn, và đảm bảo đó là nguồn hải sản bền vững sẽ là một giải pháp vô cùng hữu hiệu mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể làm được nhằm chung sức bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản trên toàn cầu.
>> Một số giải pháp ngăn chặn khai thác thủy hải sản quá mức đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng: Thiết lập hạn ngạch, giới hạn số lượng thủy hải sản khai thác tại những thời điểm nhất định; Quy định thời gian được phép khai thác, nhằm bảo tồn các loài cá trong thời gian sinh sản; Cấm đánh bắt cá ở một số khu vực; Quy định ngư cụ khai thác, không sử dụng các loại ngư cụ có tính hủy diệt cá nhỏ, cá con; Kiểm soát tình hình hoạt động, trạng thái của các tàu khai thác cá bằng phần mềm và ứng dụng quản lý. |