(TSVN) – Trước tình hình dịch COVID-19 ngày một căng thẳng tại nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động giao thương thủy sản gặp vô vàn khó khăn. Nhất là tại các tỉnh, thành phía Nam, sau khi Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16 nhằm tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều giải pháp đã được triển khai, tuy nhiên cũng còn đó không ít trở ngại cần sớm tháo gỡ, để việc lưu thông hàng hóa không bị đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, hiện đã có 16 trong tổng số 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại khu vực cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), phải tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch “3 tại chỗ”. Dự báo, trong những ngày tới tình hình các nhà máy chế biến thủy sản tiếp tục đóng cửa ngưng hoạt động là rất cao. Hệ lụy theo đó là các đơn vị thu mua hàng thủy sản khai thác tại cảng cá Tắc Cậu cũng phải ngưng hoạt động. Thống kê sơ bộ trong 10 ngày tới, có khoảng 15 lượt tàu dự kiến cập cảng, với tổng sản lượng thủy sản mang về khoảng 3.000 tấn, sẽ không có chỗ tiêu thụ.
Còn theo Ban Quản lý Cảng cá Phan Thiết, từ cuối tháng 4 đến nay, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hải sản. Hiện các kho lạnh trong khu vực cảng với sức chứa 250 tấn đang hoạt động hết công suất, nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm kho đông lạnh ở nơi khác để tích trữ hải sản. Đại diện Công ty TNHH Bích Thanh (một cơ sở thu mua hải sản lớn tại Bình Thuận) cho biết, từ khi TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, rồi Bà Rịa -Vũng Tàu… thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc thu mua sản phẩm cho ngư dân dù chi phí vận chuyển có tăng lên.
Các địa phuơng cần phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và lưu thông tốt hàng hóa. Ảnh: LHV
Để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt các địa phương đã tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện lưu thông hàng hóa về các tỉnh vùng Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh được thuận lợi. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh hải sản tại Bình Thuận, cần sớm có cơ chế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho mặt hàng hải sản tiếp cận tốt hơn với thị trường TP Hồ Chí Minh và mở rộng ra các thị trường khác. Từ đó duy trì công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho ngư dân, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp thu mua hải sản, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bắt đầu xuất hiện rải rác tại một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng đều đã xây dựng cho mình các phương án sản xuất, nên ít nhiều đều có sự chủ động. Do đó, khi đại dịch tái bùng phát, đặc biệt đối với 19 tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, chủ trương “3 tại chỗ” ngay lập tức được các doanh nghiệp áp dụng, dù biết rằng sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về việc lo ăn, ở, đi lại cho người lao động. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Để giữ chân người lao động ở lại làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”, Công ty đã hỗ trợ 3 suất ăn/ngày, nơi ăn, ngủ, cùng một số chính sách khác, nhưng cũng chỉ có khoảng 1.400 lao động ở lại làm việc, tức chỉ bằng khoảng 40% so ngày thường. Cái khó khi thực hiện “3 tại chỗ” là doanh nghiệp không đủ nơi ăn, ngủ cho công nhân vì khi xây dựng nhà máy không có khu lưu trú bên trong”.
Không chỉ có Sao Ta mà hầu hết các doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng đều rất vất vả trong việc giữ chân lao động ở lại làm việc trong 14 ngày giãn cách. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Nhiều người lao động không đủ điều kiện ở lại làm việc, như: có con nhỏ, cha mẹ già, lo sợ dịch… nên dù đã rất cố gắng thuyết phục, Công ty cũng chỉ có khoảng 30% lao động chấp nhận ở lại làm việc theo “3 tại chỗ”. Còn tại Công ty TNHH Khánh Sủng, bên cạnh các chế độ đãi ngộ về ăn, ngủ… mỗi lao động ở lại làm việc trong 14 ngày giãn cách còn được hỗ trợ 2 triệu đồng/người, nhưng kết quả chỉ có chưa đến 30% lao động chịu ở lại. Hay Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng đã phải thuê hẳn khách sạn làm nơi lưu trú cho cán bộ công nhân để thực hiện “3 tại chỗ”.
Là địa phương phát triển mạnh về thủy sản nên lượng cung ứng sản phẩm rất lớn, do vậy, trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp về tiêu thụ. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân, dùng xe máy bán hàng trong nông thôn cũng là một kênh phân phối nông sản, thực phẩm. Người mua tôm lẻ giúp nông dân không phải mang hàng hóa đến vựa để bán, tránh đi lại để hạn chế tiếp xúc nhiều người. Xe máy bán hàng giúp cho các chợ giảm áp lực. Người đi mua tôm lẻ, cần có giấy xác nhận chuyên đi mua tôm của chính quyền nơi công dân cư trú và phải qua xét nghiệm COVID-19.
Còn về sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản tại địa phương việc thực hiện “3 tại chỗ” cũng còn nhiều bất cập nên tỉnh chỉ mới có 1 doanh nghiệp làm thí điểm, số còn lại cấp thẻ cho lao động đi lại và khuyến khích họ đi làm xong về thẳng nhà. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, dù khó khăn nhưng tất cả các doanh nghiệp đều buộc phải xây dựng kế hoạch sản xuất an toàn dịch bệnh kể cả “3 tại chỗ” và phải được CDC thẩm định.
Là một trong những doanh nghiệp tôm lớn và lâu đời ở tỉnh Cà Mau, Công ty CP Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (Camimex) hiện đã xây dựng phương án sẵn sàng cho “3 tại chỗ” để khi tình huống nghiêm trọng cần thiết vẫn đảm bảo sản xuất cho những đơn hàng đặc biệt cho khách hàng. Trước ngày thực hiện Chỉ thị 16, Công ty đã chuẩn bị đầy đủ thẻ đi lại cho công nhân nên đến giờ này vẫn đảm bảo lượng công nhân đi làm bình thường.
Ông Võ Văn Phục cho biết: “Sản xuất ở thời điểm hiện tại là không có lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhằm giải quyết lượng tôm của người nuôi, công việc cho người lao động, giữ khách hàng để họ không bỏ sang bạn hàng khác”. Còn theo ông Hồ Quốc Lực, dù biết là sẽ rất khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực sản xuất không chỉ để thể hiện tinh thần chia sẻ, chung tay trong chuỗi giá trị con tôm mà còn là biện pháp đảm bảo sự tồn tại, bền vững của doanh nghiệp trong nghịch cảnh này.
“Nếu như bây giờ doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc ép giá mua tôm xuống quá thấp thì nông dân sẽ ngưng không thả nuôi nữa. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng vào cao điểm sản xuất các tháng cuối năm, dẫn đến cạnh tranh, đẩy giá lên cao, nhưng cũng chưa chắc có đủ lượng tôm phục vụ cho các hợp đồng đã ký kết, thiệt hại sẽ là rất lớn, nhất là về uy tín” – ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Camimex phân tích.
An Xuyên – Ngọc Ngọc