Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020; tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so năm 2020; trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1%.

Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2020 và vượt 4,6% so kế hoạch. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản, tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, tăng 7,6%.

Năm 2021, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt nhiều quyết định quan trọng cho ngành thủy sản. Trong đó, phải kể đến là Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/3/2021; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt ngày 4/10/2021; Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt ngày 16/8/2021; Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt ngày 24/3/2021; Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030 ban hành ngày 5/2/2021; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030 được phê duyệt vào tháng 8/2021.

Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2021 (VietShrimp 2021) diễn ra từ ngày 14 – 16/4/2021 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ (EFC) là sự kiện triển lãm lớn và hiếm hoi của ngành thủy sản được tổ chức trong năm do bùng phát của đại dịch COVID-19. Với mục tiêu cùng hướng tới “Đích đến bền vững” cho ngành thủy sản Việt Nam, VietShrimp 2021 thu hút hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhiều hội thảo chuyên đề với các nội dung thiết thực như: Tổng quan về đích đến bền vững, giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản.

Ngay từ trong quý I/2021, do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm rất sâu. Thời điểm giữa tháng 3/2021, giá bán cá tra tại ĐBSCL dao động 18.000 – 18.500 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua. Mức giá này còn kéo dài nhiều tháng sau đó. Cũng do ảnh hưởng của COVID-19, từ tháng 7/2021 giá tôm nguyên liệu đã có dấu hiệu giảm dần, sang tháng 8 và 9 thì đã giảm rất mạnh. So với thời điểm tháng 5/2021, giá tôm giảm khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg và tôm cỡ càng nhỏ thì giá càng thấp.

Theo báo cáo của VASEP, thời điểm tháng 8/2021, chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” trong sản xuất chế biến, 70% doanh nghiệp còn lại phải ngừng sản xuất và chịu thiệt hại nặng nề vì nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng… Tình hình đã được cải thiện trong những tháng cuối năm.

Từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, giá thức ăn thủy sản được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 8 lần, mức tăng trung bình từ 15 – 30%. Giá thức ăn thủy sản tăng mạnh đã khiến giá thành sản xuất tăng từ 25 – 30%. Nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn trên thị trường thế giới tăng mạnh do đại dịch, trong khi Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị của Việt Nam, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của Việt Nam trong quá trình khắc phục “thẻ vàng”. Đại diện Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho rằng, “Chúng ta cố gắng duy trì “thẻ vàng” trong năm 2021, lộ trình gỡ thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2023. Vẫn còn nguy cơ rất cao ngành thủy sản bị đổi màu thẻ từ “vàng” sang “đỏ”, khi đó, ngành thủy sản của Việt Nam có thể sẽ mất 380 triệu USD/năm.

Ngày 22/11/2021, lô thịt ngao đóng hộp đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang châu Âu. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam. Việc xuất khẩu sản phẩm ngao thịt khẳng định Việt Nam có quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến hiện đại đảm bảo chất lượng cao nhất.

Năm 2021, Trung Quốc không còn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. 3 quý đầu năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn chiếm 11% tổng xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản chứng kiến sự lên ngôi của các thị trường ngách. Trong tháng 8/2021, thị trường Mexico tăng 72%, Philippines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%… Phát triển thị trường ngách là hướng đi mới và triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam, tránh việc bị lệ thuộc vào một số thị trường lớn nhưng có sức tiêu thụ không ổn định.

error: Content is protected !!