T6, 13/01/2023 08:45

10 sự kiện nổi bật 2022

(TSVN) – Năm 2022, toàn ngành thủy sản Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh, nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Cùng Thủy sản Việt Nam điểm lại 10 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản trong một năm với vô vàn thách thức.

Từ ngày 20 – 28/10/2022, Đoàn thanh tra của EC đã sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam về việc thực hiện các khuyến nghị trong ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Đoàn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU; nhưng việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở, địa phương vẫn còn yếu. Trước thực tế này, ngày 27/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 393/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác IUU; trong đó có yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động 180 ngày, thực hiện triệt để chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đến tháng 5/2023, trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Ngày 10/9/2022, tại bến phà Vàm Cống (cũ), TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp tổ chức buổi lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp, trên sông Hậu. Theo đó, có 5 tấn cá giống với 587.000 con giống thủy sản các loại, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm của vùng ĐBSCL. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời thúc đẩy sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi.

Ngày 22/11/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BNNPTNT quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư; áp dụng đối với lực lượng Kiểm ngư và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Được biết, hiện Tổng cục Thủy sản đang xây dựng “Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm góp phần phát triển lực lượng Kiểm ngư qua từng giai đoạn, gắn với những giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện. Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm quyết định thành lập tổ chức Kiểm ngư theo thẩm quyền, trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Từ ngày 27/11 – 3/12/2022, Hội nghị thường niên lần thứ 19 Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương (WCPFC19) đã diễn ra tại TP Đà Nẵng do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Ban Thư ký WCPFC19 tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 26 quốc gia, với khoảng 550 đại biểu. Đây là Hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC19, nhằm đánh giá một số hoạt động quan trọng trong năm; quyết định sự tham gia; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị WCPFC19 sẽ tạo điều kiện để ngành cá ngừ Việt Nam hội nhập sâu rộng nghề cá thế giới, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ “thẻ vàng” EC.

Lễ hội cá tra lần thứ I với chủ đề “Vươn ra biển lớn” diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/12/2022, do Bộ NN&PTT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức; nhằm mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực. Cùng đó, giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng.

Ngày 10/11/2022, Tổng cục Thủy sản phát động Cuộc thi vẽ tranh “Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau”; với mục đích tăng cường hiểu biết, trách nhiệm của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng, cũng như sự cần thiết phải bảo tồn biển, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Sau hơn một tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các em nhỏ trên toàn quốc, với hơn 2.500 tác phẩm tham gia dự thi. Kết quả có: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 8 giải Ba, 20 giải Khuyến khích, 52 giải đồng hạng và 1 giải Lan tỏa.

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và phát triển ấn tượng. Theo VASEP, mặc dù chưa đến cuối năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã cán mốc 10 tỷ USD, tăng gần 34% so năm 2021, hoàn thành sớm mục tiêu đề ra cho năm 2022. Để đánh dấu cột mốc ý nghĩa này, ngày 10/12/2022, tại TP Hồ Chí Minh, VASEP đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD và công bố danh sách vinh danh Top 30 doanh nghiệp xuất khẩu xuất sắc trong năm 2022 (thuộc ngành hàng tôm, cá nước ngọt và hải sản), đã đóng góp to lớn vào doanh số 10 tỷ USD. Và ước cả năm xuất khẩu thủy sản đạt gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% cùng kỳ năm 2021.

Đây là chủ đề của chương trình trình diễn ẩm thực, một trong những điểm nhấn tại Lễ hội tôm hùm Phú Yên lần thứ I – năm 2022 tổ chức tại thị xã Sông Cầu trong 2 ngày 30 – 31/7/2022; hơn 100 món ăn đặc sản được chế biến từ tôm hùm đã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Sự kiện nhằm quảng bá sản vật văn hóa của địa phương tới đông đảo du khách, là dịp để Phú Yên kết nối doanh nghiệp nuôi tôm với các chuyên gia, nhà đầu tư lớn, thông qua hội thảo ứng dụng công nghệ blockchain và chuyển đổi số vào lĩnh vực nuôi tôm hùm.  

Ngày hội cua Cà Mau – Lần thứ I năm 2022 là một trong các sự kiện thuộc Chương trình “Cà Mau – Điểm đến 2022” với chủ đề “Cua Cà Mau – Điểm hẹn văn hóa ẩm thực”, diễn ra từ ngày 23 – 31/12/2022. Đây là năm đầu tiên ngày hội cua quy mô cấp tỉnh, được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn; là dịp để địa phương quảng bá hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản nổi tiếng; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực với Cà Mau.

Theo kết quả khảo sát ngày 12 và 15/6/2022 của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, không chỉ san hô quanh khu vực Hòn Mun, mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại, suy giảm 70 – 80% so kết quả khảo sát từ năm 2015; đặc biệt ngay cả khu vực vùng lõi – Nam Hòn Mun, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt cũng xuất hiện tình trạng san hô bị hư hại. Trước tầm quan trọng và cấp thiết về việc giữ gìn cũng như phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang nói chung và khu vực biển Hòn Mun nói riêng; UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, với 16 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!