T6, 20/01/2023 08:59

2022 năm của những quyết sách trọng điểm

(TSVN) – Năm 2022 đánh dấu một bước phát triển rực rỡ của ngành thủy sản Việt Nam trên hầu hết các phương diện, sản xuất thắng lợi, xuất khẩu bùng nổ, thị trường rộng mở… Dư địa của ngành thủy sản vẫn còn rất lớn, sự phát triển hiện nay vẫn chưa thật sự tận dụng được hết những lợi thế vốn có. Nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, khắc phục tốt những tồn tại, ngành thủy sản nước ta một năm qua đã có thêm những quyết sách mang tính chiến lược, đạt hiệu quả sâu rộng.

“Chương trình Quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030” được phê duyệt ngày 16/8/2022 tại Quyết định số 985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng NTTS Việt Nam đạt 5,6 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình 4%/năm; đến năm 2030, tổng sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình trên 4,5%/năm; chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, TTCT bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng hàng hóa lớn.  Cùng đó, đầu tư cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng NTTS tập trung và vùng sản xuất quy mô lớn; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm NTTS.


Chương trình này tập trung vào 6 nội dung gồm: Phát triển sản xuất giống thủy sản; Phát triển NTTS; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng NTTS; Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghệ hỗ trợ NTTS; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong NTTS.


Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 7.000 tỷ đồng. Trong đó, 1.000 tỷ đồng sử dụng cho 8 Dự án phát triển NTTS ưu tiên; 6.000 tỷ đồng dành cho 16 Dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển NTTS.

“Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030”, được phê duyệt ngày 19/9/2022 tại Quyết định số 1090/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Mục tiêu đến năm 2025, cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương; 100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu…


Đề án tập trung vào 6 nhiệm vụ gồm: Tổ chức lại theo hướng phát triển bền vững; Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá; Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Cùng đó, 6 giải pháp chính: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Chính sách, cơ chế thực hiện; Khoa học, công nghệ và khuyến ngư; Huy động vốn, kinh phí; Hợp tác và hội nhập quốc tế; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức.

“Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030” được phê duyệt ngày 29/7/2022 tại Quyết định số 911/QĐ-TTg.


Mục tiêu đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong NTTS gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường; 80% doanh nghiệp thủy sản và từ 30 – 50% ngư dân, hộ NTTS được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường thủy sản; duy trì mức tăng hàng năm 8% diện tích NTTS, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và bền vững; mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị được nghiên cứu, áp dụng và từng bước nhân rộng…

Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; Quan trắc môi trường (đất, nước, trầm tích); Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản; Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường; Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.


Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Đề án đặt ra các giải pháp: Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ; xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản; Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải; Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; Huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản; Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường…


Nguồn vốn thực hiện Đề án bảo vệ môi trường này dự kiến là 2.320 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 2.060 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 260 tỷ đồng.

“Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/9/2022 tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg.

Mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các mục tiêu về phòng, chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Cụ thể, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên: Sẽ hoàn thành đánh đấu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định trước khi rời cảng đi khai thác trên biển; đồng thời phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng. Cùng đó, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO-2009; ngăn chặn, chấm dứt tình tạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án gồm 8 nhóm: Thông tin truyền thông, tuyên truyền; Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá; Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác có liên quan; Quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản; Thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!