Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2010 – 2020, trữ lượng trung bình nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam ước khoảng 3,95 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác hàng năm đã ngấp nghé giới hạn cho phép, nguồn lợi đã và đang suy giảm, đặc biệt là nhóm hải sản tầng đáy. Cùng đó, nguồn lợi thủy sản nội đồng cũng đã và đang bị cảnh báo khi sản lượng ngày càng giảm sút, một số loài có nguy cơ cạn kiệt. 

 

Để thúc đẩy quá trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi, ngành thủy sản tích cực xây dựng các khu bảo tồn, bảo vệ. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã thành lập được 11/16 khu bảo tồn biển, đạt 174.748,85 ha (chiếm 0,175% diện tích vùng biển). Hàng năm, ngành thủy sản và các địa phương thực hiện nghiêm việc thả giống tái tạo nguồn lợi, trong đó tập trung vào các loài có giá trị kinh tế, loài bản địa và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Cùng đó, nhiều địa phương thành lập và duy trì ổn định các tổ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang… Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản được triển khai đa dạng trên phạm vi cả nước. 

 

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường biển đang ngày càng nghiêm trọng; các hoạt động kinh tế ở vùng ven biển diễn biến ngày càng phức tạp. Vấn đề vi phạm pháp luật trong khai thác còn diễn ra thường xuyên, như: hiện tượng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi như chất nổ, xung điện, lưới kéo, giã cào; đánh bắt cá con; đánh bắt trái phép ở vùng biển ven bờ… 

 

Thêm vào đó, việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản chưa được như mong muốn, dẫn đến thiếu thông tin về trữ lượng nguồn lợi thủy sản; việc thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển còn chậm… 

Ngày 18/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chính thức phê duyệt “Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030”. 

 

Chương trình sẽ thống nhất tư tưởng, nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các bộ, ngành và địa phương vì mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản, phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU); đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. 

 

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dựa trên tiếp cận hệ sinh thái phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương; phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành thủy sản và sẽ lấy cộng đồng ngư dân làm nòng cốt.

Chương trình hướng đến mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân… 

 

Cụ thể, 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản; Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016 – 2020. 

 

100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản; 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công; 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá… 

Chương trình tập trung vào 6 nhiệm vụ nội dung cấp bách. Trong đó, về bảo vệ nguồn lợi, sẽ tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; Xây dựng và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

 

Cùng đó, điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa. 

 

Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm… 

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững, sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. 

error: Content is protected !!