Một chuyên gia nước ngoài nhận xét: “Việt Nam đang đi trước các nước như Ấn Độ, Indonesia, thậm chí cả Thái Lan trong việc chế biến sâu. Từ chỗ chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô, giờ đây Việt Nam đã chinh phục các thị trường bằng sản phẩm chế biến”.
Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến, trị giá gia tăng sẽ gắn chặt với việc phát triển bao bì, mẫu mã, thương hiệu… của doanh nghiệp Việt Nam. Các mặt hàng như tôm Nobashi, tôm tẩm bột tươi và chiên của Việt Nam rất được ưa chuộng.
Xuất khẩu tôm vẫn là điểm sáng của toàn ngành. Tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu cá tra với nhiều đột phá đã đạt tăng trưởng gần 90% với kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng khiến cho nhiều hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chi phí vận chuyển, giá xăng tăng, chi phí đầu vào tăng cũng khiến lợi nhuận giảm và đầu tư cho việc marketing và phát triển thương hiệu bị tác động ít nhiều.
Được biết, thời gian tới, các bộ, ngành và các địa phương sẽ nối lại nhiều hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến điện tử, đồng thời quảng bá sâu rộng các thương hiệu thủy sản Việt Nam trên các thị trường trong nước và quốc tế thông qua báo chí và các hoạt động sự kiện, triển lãm, hội thảo.
Một lãnh đạo doanh nghiệp Thái Lan nhận xét với chúng tôi rằng: “Sự khác biệt giữa người nuôi tôm Việt Nam và Thái Lan, đó là người nuôi tôm Việt Nam rất thích đọc báo, tạp chí về thủy sản điều đó giúp người nuôi Việt Nam tiếp thu kiến thức và các quy trình kỹ thuật mới rất nhanh. Người nuôi trồng, chế biết thủy sản Việt Nam yêu thích cái mới và sẵn sàng khám phá kỹ thuật, tạo ra những bước nhảy vọt về chất lượng và sản lượng”.