Sau 3 tháng đầu năm “đứng” ở mức giá cao, từ đầu tháng 4 đến nay, giá tôm liên tục giảm mạnh và hiện đã gần như bắt đáy, nhất là tôm cỡ 40 – 100 con/kg. Bảng giá tôm trên thị trường các tỉnh khu vực ĐBSCL từ đầu tháng 5 đến nay cho thấy, chỉ có đi xuống và đi ngang ở hầu hết các kích cỡ. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng (TTCT) loại 40 con/kg thời điểm cuối tháng 2 giá lên đến 170.000 đồng/kg thì nay bình quân chỉ còn 113.000 – 115.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg từ mức 150.000 đồng/kg hiện còn 103.000 – 105.000 đồng/kg và loại 100 con/kg từ mức 100.000 – 105.000 đồng/kg hiện chỉ còn 83.000 – 85.000 đồng/kg. Riêng tôm kích cỡ lớn (20 – 30 con/kg) cũng có mức giảm bình quân 20.000 – 30.000 đồng/kg so với mức giá của quý I/2023. Với mức giá trên, theo người nuôi tôm, nếu tỷ lệ nuôi thành công thấp hoặc không nuôi được về cỡ lớn thì lợi nhuận sẽ rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn hay thua lỗ.

Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Tuấn Phát (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), cho biết giá TTCT loại 20 con/kg giảm xuống 200.000 đồng/kg, thấp hơn 2 tháng trước đến 80.000 đồng/kg. Các kích cỡ khác, giá giảm thêm 5.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, TTCT loại 25 con/kg có giá 155.000 đồng, loại 30 con/kg có giá 128.000 đồng, loại 40 con/kg có giá 110.000 đồng, loại 50 con/kg có giá 105.000 đồng. Đối với tôm nhỏ có giá dao động 90.000 – 100.000 đồng/kg.

Người nuôi tôm ở Tiền Giang hiện đứng ngồi không yên khi giá tôm liên tục giảm. Theo một số hộ dân, giá TTCT bán tại ao hiện nay, loại 30 con/kg có giá khoảng 120.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá bán 100.000 đồng/kg, loại 60 con/kg có giá bán 80.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Tấn Phát, chủ hộ nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tâm tư: “Tôm loại 30 con/kg trước đây trên 200.000 đồng/kg, loại 40 con từ 170.000 – 180.000/kg nay còn khoảng 110.000 đồng/kg. Giá tôm sụt giảm mấy tháng rồi, giảm trên 70.000 đồng/kg, giá thức ăn, giá điện tăng cao”.

Tại Bạc Liêu, TTCT loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2/2023. Trong khi đó TTCT loại 30 con/kg chỉ có giá 130.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 – 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang tạm ngừng thu mua và giá bán cũng rất thấp. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm lắc đầu ngao ngán.

Chưa hết khó vì giá tôm giảm, giá vật tư đầu vào tăng, vụ tôm năm nay còn tiếp tục gặp khó do mưa nắng thất thường và nhất là ao tôm gần như luôn có sự hiện diện của EHP, phân trắng, làm cho tôm chậm lớn, giá thành nuôi cao. Theo các hộ nuôi tôm, ở thời điểm hiện tại, nếu thu hoạch đạt năng suất và tôm đạt cỡ 25 – 20 con/kg thì mới có lời kha khá, còn nếu không thì cầm chắc từ hòa đến lỗ, ai may mắn hơn thì có lời chút đỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho tiến độ thả giống vụ tôm năm nay diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ, dù độ mặn đã đạt yêu cầu và phần lớn doanh nghiệp cung ứng con giống đều tăng khuyến mãi hay giảm giá. Hay nói một cách khác, những bất lợi của ngành tôm tính đến thời điểm hiện nay, chẳng những chưa có dấu hiệu giảm đi mà dường như ngày một lớn dần hơn, khiến ngành tôm vốn đã khó nay lại càng thêm khó.


Theo tìm hiểu của người viết, phần lớn diện tích TTCT thả nuôi từ đầu năm đến nay đều là diện tích nuôi lót bạt, số ít diện tích nuôi ao đất chỉ mới thả giống từ cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 đến nay. Tuy nhiên, do giá tôm hiện đang quá thấp, nhất là tôm cỡ 100 – 40 con/kg, nên nhiều hộ nuôi còn phân vân chưa dám thả giống, vì theo họ, mức giá trên người nuôi sẽ không có lời. Theo lý giải của người nuôi tôm, nếu nuôi TTCT bằng ao đất thì cỡ tôm lúc thu hoạch thường rơi vào khoảng 100 – 50 con/kg, trong khi giá tôm cỡ này hiện gần như đã chạm đáy, nên khó mà có lời được. Một chủ trang trại nuôi khá lớn, mua con giống, thức ăn trực tiếp từ nhà sản xuất cho biết, vừa rồi do tôm bị nhiễm EHP nên buộc phải thu hoạch khi tôm chỉ đạt cỡ 60 con/kg, tính ra lợi nhuận chỉ vào khoảng hơn 10.000 đồng/kg.

Đây cũng chính là câu hỏi được người nuôi tôm quan tâm nhất hiện nay, để họ có thể đưa ra quyết định về thời điểm cũng như diện tích, mật độ thả nuôi phù hợp nhằm tránh rủi ro về giá. Anh Thái Sứ Cơ, một hộ nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi thu hoạch xong đợt thả nuôi đầu tiên đúng vào lúc giá tôm đang xuống anh cũng cảm thấy có chút lo lắng cho vụ thả nuôi tiếp theo. Anh Cơ chia sẻ: “Tôi thu hoạch vụ đầu tiên khi giá tôm vừa mới giảm nên tính ra lợi nhuận vẫn còn ở mức khá. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá tôm liên tục giảm mạnh và hiện tôm cỡ 100 – 50 con/kg giá gần như đã chạm đáy. Tôm cỡ 40 – 30 giá cũng không còn cao như trước, nên nếu muốn có lợi nhuận kha khá một chút người nuôi phải nuôi tôm về cỡ 25 – 20 con/kg, nhưng điều này cũng rất khó vì hiện đang vào mùa mưa và bệnh do EHP làm tôm chậm lớn vẫn âm thầm xuất hiện tại các vùng nuôi.


Do đó, để đảm bảo sản xuất hiệu quả cũng như gia tăng lợi nhuận, vấn đề hiện nay là người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi sao cho hợp lý để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao, nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi.

Theo các chuyên gia, người dân cần lựa chọn mật độ nuôi phù hợp, nếu trước đây mật độ nuôi phổ biến là 200 – 300 con/m2 thì hiện nay chúng ta nên dừng ở mức vừa phải là 120 – 150 con/m2. Mật độ này cho phép người nuôi quản lý môi trường dễ dàng hơn, tôm nuôi cũng dễ về size lớn hơn. Đặc biệt là các yếu tố về quản lý rủi ro, dịch bệnh cũng dễ nắm bắt hơn. Thu tỉa nhiều lần để giảm sức tải cho ao nuôi cũng là một giải pháp hay. Cùng đó là mở rộng sản xuất để rút ngắn chuỗi cung ứng, bởi với việc nuôi manh mún thì người nuôi khó lòng mua được sản phẩm phục vụ nuôi tôm với giá tốt. Nhưng khi số lượng mua đủ lớn thì lại là câu chuyện khác. Người nuôi sẽ tiếp cận được những nhà phân phối trực tiếp, giảm thiểu qua trung gian nên sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí. Ngược lại, người nuôi cần phải chủ động được nguồn vốn. Với những hộ nuôi nhỏ lẻ, có thể liên kết lại thành mô hình như hợp tác xã để mua cùng nhau, thông thường sức mua của khoảng 20 – 25 ao là đã có giá tốt.


Và một giải pháp vô cùng quan trọng nữa, đó là lựa chọn quy trình nuôi phù hợp, quy trình nuôi ở đây bao gồm cả thiết kế và vận hành hệ thống nuôi. Điều ưu tiên lúc này là một hệ thống nuôi đơn giản, cần ít tài nguyên (điện, xử lý thay nước…), dễ vận hành, tối giản trong xử lý môi trường và quan trọng nhất là có thể kiểm soát stress, kiểm soát các rủi ro, dịch bệnh tốt nhất có thể. Với việc hướng tới mật độ nuôi vừa phải thì cũng chỉ cần một hệ thống nuôi đơn giản là vừa đủ.


Đại diện VASEP cho rằng, để giải bài toán giá thành, phát triển nuôi tôm bền vững, các địa phương cần định hình lại các vùng nuôi. Ví dụ ở vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, đã xác định các mô hình đạt hiệu quả cao như nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ, từ đó có những sản phẩm tôm đạt giá trị xuất khẩu cao. Đặc biệt, một số địa phương đã xác định không nuôi tràn lan, chỉ tập trung ở những vùng có định hướng nhằm giảm bớt rủi ro trước biến đổi khí hậu, qua đó giảm được giá thành.

error: Content is protected !!