Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã buộc phải thu hẹp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn nếu muốn tồn tại, phục hồi và […]
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã buộc phải thu hẹp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn nếu muốn tồn tại, phục hồi và tăng trưởng, giải pháp tốt nhất vẫn là có sớm và đầy đủ vaccine cho người lao động đề duy trì và thực hiện tốt “mục tiêu kép” mà Chính phủ và các bộ, ngành đã đặt ra.
Sau hơn 3 tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Thái Hòa cho biết, các doanh nghiệp ngành tôm đều đang đuối sức vì chi phí tăng lên rất cao và rất khó để giữ chân người lao động được lâu. Ông Khoa dẫn chứng: “Chỉ tính riêng các khoản chi phí về ăn, ở, xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động thôi chi phí cũng đã tăng lên khá nhiều, trong khi công suất lao động thì lại giảm. Vì vậy, “3 tại chỗ” kết thúc càng sớm càng tốt, bởi nếu kéo dài doanh nghiệp sẽ không chịu nỗi do chi phí quá lớn, còn người lao động thì bị gò bó, bức bách cũng khó có ai chấp nhận trong thời gian dài. Thực tế, chỉ mới hơn 3 tuần thôi đã có một số trường hợp người lao động trốn về vì nhớ nhà, có con, người thân ốm đau không ai chăm sóc…”.
Cùng khó khăn này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, cái khó khi thực hiện “3 tại chỗ” không chỉ là chi phí tăng lên khá nhiều mà người lao động còn không an tâm, nên năng suất lao động chỉ ở mức vừa phải. Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), bất cập là rất nhiều. Ông Phục liệt kê: “Do không đủ công nhân nên Công ty phải đóng cửa 1 nhà máy, nhiều sản phẩm không sản xuất được, không giao được hàng cho đối tác, công nhân thì đòi về vì không chịu nổi sự tù túng. Hơn nữa, số lao động ở lại được gom từ nhiều khâu nên không chuyên, dẫn đến năng suất lao động không cao so bình thường. Trong khi, tất cả các chi phí như: ăn ở, sinh hoạt, tiền bồi dưỡng chi phí phòng, chống dịch… đều tăng mạnh”.
Theo các doanh nghiệp ngành tôm ở Sóc Trăng, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nên mới đây, tất cả người lao động đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ” đều đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tại Công ty Thái Hòa, 100% công nhân làm “3 tại chỗ” đều được tiêm vaccine, nhưng theo ông Khoa, con số này chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của doanh nghiệp. Tương tự như thế, các doanh nghiệp ngành tôm khác như: Sao Ta, Vinacleanfood, Stapimex, Khánh Sủng… cũng có từ 30 – 40% lao động được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Trao đổi với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp ngành tôm đều cho rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay thì vaccine được xem là giải pháp duy nhất, là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại. Do đó, người lao động ngành tôm cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi càng sớm càng tốt, bởi nếu không, sẽ không giải quyết được bài toán về lao động và doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại được.
Yêu cầu tiêm vaccine là cấp thiết nhất giúp các doanh nghiệp tồn tại trong tình hình này. Ảnh: Vũ Sinh
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, các doanh nghiệp còn đề xuất, cần tiêm vaccine theo đúng đối tượng để phòng trong điều kiện không đủ vaccine cho cộng đồng, nền kinh tế vẫn có thể cầm cự đợi đến khi có đủ vaccine, giúp duy trì có tốt mục tiêu kép là: vừa chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Còn theo ông Phục, để đưa hoạt động ngành tôm trở lại trạng thái bình thường mới, bên cạnh giải pháp vaccine cần có thêm giải pháp về thuốc điều trị COVID-19 và tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo “5K” để có thể sống chung với dịch mà không bị thiệt hại lớn.
Do chi phí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” tăng lên rất cao, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp còn đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tiền điện, nước, thuế, lãi vay ngân hàng…; nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phục hồi và tăng tốc sau dịch.
Bài: Xuân Trường
Đồ họa: Phạm Dương