T3, 22/02/2022 09:00

Chiến lược nâng tầm nông nghiệp

(TSVN) – Mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế từng địa phương.

Mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế từng địa phương.

Quan điểm phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030, Chính phủ khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái”.

Rõ ràng, theo sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, phát triển nông nghiệp không chỉ là gia tăng thu nhập đẩy mạnh xuất khẩu mà theo đó còn là mục tiêu phát huy bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Muốn vậy, phát triển nông nghiệp phải đi đôi với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng các cộng đồng văn hóa, phát triển giáo dục, đi đôi với việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm có uy tín trên thị trường nội địa và quốc tế.

Mục tiêu đề ra đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 – 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 – 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 – 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Phấn đấu ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50% số xã đạt chuẩn nâng cao. Ngoài ra, diện tích che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

Mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển lên từ 3 – 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Ngành thủy sản sẽ phát triển theo hướng hình thành và phát triển các vùng nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn. Với các trang trại nhỏ sẽ áp dụng các công nghệ nuôi trồng thân thiện với môi trường. Nuôi trồng trên biển sẽ được đầu tư, đồng thời tăng cường bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái gần bờ.

Chính phủ cũng đề cao chiến lược phát triển thủy sản theo chuỗi, xây dựng liên kết giữa người nông dân với các nhà máy chế biến, các cơ sở cung cấp giống, thức ăn thủy sản. Đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tăng lợi nhuận cho người nông dân. Phát triển nông nghiệp bền vững sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện các biện pháp nuôi trồng thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Do đó, Chính phủ sẽ đầu tư và quy hoạch hoàn thiện hệ thống đê điều phục vụ cho NTTS vùng ven biển. Mô hình kết hợp nuôi trồng, khai thác thủy sản với phát triển du lịch sinh thái được khuyến khích. Đây là hướng đi giúp xây dựng các vùng nông thôn mới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa biển, thu hút du khách đến với văn hóa biển, đảo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí nhân dịp đầu năm Nhâm Dần đã cho biết: “Năm 2022 mục tiêu xuất khẩu 8,9 tỷ USD. Ngoài ra nét mới trong năm 2022 đó tăng cường nuôi biển. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1664 về phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tới đây chúng ta sẽ tập trung vào triển khai nuôi biển, kể cả gần bờ, xa bờ và đặc biệt là xa bờ. Với tiềm năng hơn 1 triệu km2, đây là một dư địa rất lớn”.

Năm 2022 tình hình dịch COVID-19 lắng xuống, EC sẽ vào kiểm tra trực tiếp việc khai thác đánh bắt xa bờ của Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2022 – 2023, phải dứt điểm phải tháo gỡ được “thẻ vàng”; đây cũng là trọng tâm của ngành nông nghiệp trong năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so năm 2021. 

Theo VASEP, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022. Cơ sở cho những dự báo lạc quan về xuất khẩu tôm đó là việc các nước đang dần khôi phục kinh tế, tiêu thụ tôm tại Mỹ và EU đều đang trên đà khởi sắc mạnh mẽ. Xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

Xuất khẩu cá tra cũng đang có những bước tiến tích cực, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra lớn hơn năm trước, khi nguồn dự trữ đã cạn và tình hình đại dịch thế kỷ vẫn còn đe dọa quốc gia này. Đầu năm 2022, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL xu hướng tăng khi các nhà máy chế biến đang tăng công suất phục vụ cho xuất khẩu.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!