Nội bộ nghề cá nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi từ nghề cá thủ công, tự phát, tiếp cận tự do sang nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường là những vấn đề mấu chốt có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chuyển đổi và phát triển nghề cá bền vững. 

 

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng Đề án về ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường (Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 9/7/2022). Đề án bao gồm các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn ven biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; tập trung vào lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển. 

 

Dự thảo Đề án nhằm phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng ngư dân, cơ chế thị trường, tranh thủ hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực và sự chủ động vươn lên của cộng đồng ngư dân trong phát triển bền vững ngư nghiệp, ngư trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ngư nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển ngư nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương “giảm khai thác – tăng nuôi trồng”, để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển. Đồng thời, quản lý và bảo vệ ngư trường là cơ sở phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế; cùng đó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặt khác, đảm bảo mối quan hệ thống nhất, hài hòa giữa ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường với phát triển các lĩnh vực kinh tế khác…

Theo TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Đề án Tam ngư sẽ hướng đến mục tiêu: Tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá, phát triển lĩnh vực ngư nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, trở thành ngành kinh tế ngư nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phù hợp với năng lực của nguồn lợi và ngư trường, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế. Ngư trường, nguồn lợi thủy sản và môi trường, sinh thái tại ngư trường được gìn giữ, bảo vệ để duy trì và phát huy được các dịch vụ hệ sinh thái bền vững… 

 

Cụ thể, đến năm 2025, giảm 2.000 tàu cá các loại; tăng diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Tỷ lệ hộ ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề được đào tạo, tập huấn nghề mới và có sinh kế, đời sống ổn định đạt 50%. 

Đến năm 2030, giảm 4.000 tàu cá các loại; tăng diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị thủy sản khai thác và nuôi biển đạt bình quân 1,5%/ năm; thu nhập bình quân của lao động làm nghề khai thác và nuôi biển tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề được đào tạo, tập huấn nghề mới và có sinh kế, đời sống ổn định đạt 100%; thu nhập bình quân của cư dân vùng nông thôn ven biển tăng 2,5 lần so với năm 2020. 

 

Tầm nhìn đến năm 2045, ngư dân và cộng đồng ngư dân văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Ngư trường được tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản. Nuôi biển trở thành ngành hàng quan trọng thay thế cho ngành khai thác. Nghề cá có trách nhiệm và bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và người nước, công nghiệp chế biến và bảo quản thủy sản hiện đại, giữ vững vị thế xuất khẩu thủy sản đứng hàng đầu thế giới…

Phát biểu tại Hội thảo bàn luận về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư nghiệp do Cục Thủy sản tổ chức mới đây; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ: “Ý tưởng về “Tam ngư” của ngành thủy sản đã được nhiều thế hệ nhắc tới và trải qua một quá trình dài vận động chính sách. Đây là một vấn đề rất lớn sau rất nhiều năm hình thành ý tưởng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Do vậy, phải làm tốt để có một Đề án Tam ngư hoàn chỉnh trình Thủ tướng phê duyệt. Đề án phải là sản phẩm trí tuệ của ngành”. 

 

Đề án sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chủ yếu (về ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường). Trong đó, về ngư dân sẽ hỗ trợ tổ chức lại ngư dân trong các HTX, nghiệp đoàn nghề cá, các cộng đồng quản lý biển, đồng quản lý mặt nước lớn. Đồng thời, cân đối lại số lượng lao động của ngư dân để có giải pháp chuyển đổi sang nghề khác, nhằm giảm sức ép về cường lực khai thác trên biển. 

 

Về ngư nghiệp, trọng tâm phải chuyển mạnh từ khai thác sang nuôi biển, tiến tới từng bước chuyển đổi thành nghề cá có trách nhiệm, hiệu quả và bền vững. 

 

Về ngư trường, cần có chương trình phát triển và bảo vệ tốt các vùng bảo tồn sinh học, tổ chức tốt việc quản lý giám sát hạn chế đánh bắt ở vùng biển gần bờ; có chương trình giao cho cộng đồng cư dân ngành thủy sản được quản lý lãnh thổ mặt nước biển, đồng quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi… 

 

Nhiệm vụ đặt ra là vậy, nhưng dự thảo còn cần thêm thời gian nhằm đảm bảo có một Đề án hoàn chỉnh. Về vấn đề này, theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: “Nên dành kinh phí để tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp với các bên liên quan. Bởi ba vấn đề này (ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường – PV) còn liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả quy hoạch không gian biển, kể các các quy hoạch khác về biển và cả trên đất liền có liên quan đến biển. Thảo luận càng kỹ càng tốt, để làm sao chúng ta có một sản phẩm hoàn chỉnh được Thủ tướng chấp nhận và có lợi cho ngành”.

error: Content is protected !!