T3, 07/06/2022 09:28

ĐBSCL – Trăn trở vựa nông sản

(TSVN) – Để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, nhằm giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có. Trong đó, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo đầu ra bền vững cho nông sản.

Ngày 19/5, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL rộng 3.300 ha tại Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung tâm được thành lập theo cơ chế đặc thù, không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng các chính sách để phục vụ cho nông sản ĐBSCL. Trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng và có thể sẽ hoạt động như một trung tâm dịch vụ hành chính công. Hội nghị mong muốn lắng nghe ý kiến của các địa phương để tăng tốc hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập trong năm nay.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường giới thiệu, Nghị quyết số 45 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ; trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm có vai trò tháo gỡ rất nhiều nút thắt cho nông nghiệp ĐBSCL, đặc biệt là giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị.

Hiện thực hóa chủ trương của Quốc hội, đòi hỏi phải khẩn trương bởi thời hạn thí điểm là 5 năm, nay đã hết 4 tháng. “Hội nghị này lấy ý kiến của các bộ, ngành và các tỉnh trong vùng, từng bước hoàn thiện đề án theo hướng khả thi nhất trước khi trình Chính phủ”, ông Trần Việt Trường nói. Theo dự thảo đề án, Trung tâm có quy mô 3.300 ha; giai đoạn đầu khoảng 450 ha, tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

Về đề án Trung tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ Lê Thanh Tâm giới thiệu, đối với chính sách, UBND thành phố đã giao Sở NN&PTNT cùng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Cần Thơ chủ trì, đề xuất những nội dung liên quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Cần Thơ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện đề án, tham mưu thành lập ban chỉ đạo thực hiện. Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm, tham mưu trình Bộ NN&PTNT đưa vào quy hoạch ngành, làm cơ sở triển khai thực hiện. Song song với xây dựng đề án, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh công tác quy hoạch.

Trung tâm đặt mục tiêu hình thành “Một điểm đến, đa dịch vụ”; hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản vùng; hình thành những phân khu hạt nhân, sản xuất chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và khu phi thuế quan; trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, thực hiện đủ chức năng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến, tiêu thụ; hoàn chỉnh các phân khu chức năng.


Đến năm 2050, Trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng ĐBSCL. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh.


Cụ thể khi thành lập, Trung tâm sẽ có 8 chức năng. Đó là logistics; sản xuất – chế biến, tiêu thụ; nghiên cứu – phát triển; trung tâm chế biến chuyên sâu; đào tạo, chuyển giao công nghệ; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hội tụ chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế; bảo tồn các giá trị khoa học, lịch sử văn hóa trong vùng.


Trung tâm có 5 nhiệm vụ: khai thông các luồng vận tải hàng hóa (thủy, bộ, hàng không, biển); thông quan (xây dựng theo mô hình cảng cạn kiểm hóa hiện đại ICD, các kho ngoại quan, khu phi thuế quan); xử lý, bảo quản nông sản; liên kết toàn vùng bao gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ; quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản vùng.

Tại hội nghị, đại biểu các địa phương ĐBSCL thống nhất cao trong việc ủng hộ thành lập Trung tâm và có nhiều góp ý cho việc hoàn thiện đề án. Các đại biểu cũng đã đặt vấn đề Trung tâm sẽ hoạt động, vận hành như thế nào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn phát biểu, trong quy hoạch vùng ĐBSCL thì Cần Thơ là trung tâm của vùng, các địa phương cũng có trung tâm điều phối chuyên ngành như Kiên Giang, Cà Mau có trung tâm điều phối thủy sản, một số địa phương có trung tâm điều phối trái cây, lúa gạo. Như vậy, việc thành lập Trung tâm tại Cần Thơ phải là trung tâm của các trung tâm, có vai trò kết nối.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam quan tâm đến luồng vận tải hàng hóa đường bộ sẽ kết nối với các tuyến cao tốc. Riêng đường thủy và hệ thống cảng, việc nạo vét luồng Định An – Trần Đề sẽ kết nối nhiều địa phương với Cần Thơ, cảng biển nước sâu Trần Đề có vai trò thông thương ra quốc tế. Nên trong cấu trúc thực hiện đề án, phải bổ sung thêm cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng, kết nối giữa các trung tâm thủy sản, trái cây, lúa gạo.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Đinh Thị Phương Khanh cho rằng, cần làm rõ điều kiện pháp lý của Trung tâm, mối quan hệ của Trung tâm này đối với các trung tâm đầu mối ở các địa phương khác. Đây là Trung tâm của cả vùng, như vậy cần xác định vai trò của ngành nông nghiệp toàn vùng trước, sau đó mới đến Cần Thơ. Phải trả lời được câu hỏi vì sao Cần Thơ được chọn là nơi đặt trung tâm và xác định mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, nhiệm vụ của các địa phương để tham gia xây dựng, phát triển.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!