Về cơ hội, bà Lê Hằng chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã định hình lên các xu hướng tích cực đối với thủy sản Việt Nam. Định hình xu hướng mua, bán online và thúc đẩy bán lẻ gia tăng; tăng nhu cầu các sản phẩm có giá vừa phải, phù hợp mặt bằng thu nhập như cá, tôm cỡ nhỏ, surimi, chả cá, một số loài cá biển…; tăng thương mại 2 chiều giữa các nước, thị trường thành viên của các FTA song phương và đa phương, tận dụng thuế quan ưu đãi như Canada, Chilê, Australia, Mexico, EU.
Bà Hằng cũng cho biết nhu cầu đối với tôm vẫn sẽ ổn định vì là lựa chọn ưu tiên hơn của người tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia. Nhu cầu các loại cá thịt trắng tiếp tục tăng. Ngoài ra, nhu cầu của Mỹ, EU và Trung Quốc cũng đang có xu hướng tăng, chi phối thị trường thế giới. Riêng thị trường Anh cũng tiềm năng hơn sau sự kiện Brexit. Lao động chế biến thủy sản thì đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác do chiến tranh thương mại của Trung Quốc với Mỹ và chính sách kiểm tra thủy sản nhập khẩu khắt khe trong và sau đại dịch. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến, linh hoạt đa dạng thị trường, chuyển hướng các thị trường ngách tiềm năng.
Tuy nhiên, những thách thức và rào cản đối với thương mại thủy sản vẫn còn nhiều khi xung đột Nga – Ukraine và những hệ lụy của COVID-19 đã gây ra các tác động tiêu cực. Đồng thời, các vấn đề như định hướng bền vững, tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm sẽ gia tăng, các quy định liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động cũng được siết chặt.