(TSVN) – Dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Nam và được dự báo còn kéo dài.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Tuy nhiên, công suất của hầu hết các nhà máy chỉ khoảng 30 – 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 vì nhiều hạn chế để phòng, chống dịch.
Cùng đó, cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có 56 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài với công suất thiết kế khoảng 5,2 triệu tấn/năm và 64 nhà máy có vốn đầu tư trong nước với công suất thiết kế khoảng 4,7 triệu tấn/năm đủ cung cấp thức ăn cho nuôi trồng. Ngoài ra, còn hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, sản xuất giống…
Điểm chung hiện nay là sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước tiên, khâu vận chuyển có nhiều nan giải cả trên đường bộ và đường thủy. Chưa kể, một số nhà máy buộc phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch nguyên liệu mà còn tác động đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành những tháng cuối năm.
Còn với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc thú y chia sẻ: Hiện các đại lý phân phối thuốc đang “rất ế” vì hiện giờ người dân không dám mạnh dạn đầu tư, họ chỉ nuôi cầm chừng nên số lượng tiêu thụ giảm hẳn. Cầu thấp do vận tải bị hạn chế nên nguồn cung phải giảm theo, dẫn đến sản phẩm doanh nghiệp bán ra sụt giảm.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người nuôi, Bộ NN&PTNT đã liên tiếp có nhiều văn bản, đề xuất các tỉnh, thành phố có cơ chế phối hợp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo vận chuyển thông suốt nhằm duy trì sản xuất và xuất khẩu; đồng thời, các địa phương cần có chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy… Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt của Bộ cũng sẽ tiếp tục kết nối các đầu mối sản xuất với tiêu thụ, giải tỏa những bế tắc của người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, nhằm đánh giá chính xác tình hình thực tế và đề xuất các phương án trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và một số bộ, ngành liên quan để cùng tháo gỡ các khó khăn của một số Hiệp hội. Lãnh đạo Bộ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề lãi suất, tiếp cận tín dụng, hạn mức cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các khó khăn, vướng mắc cụ thể hiện nay; chi phí điện năng, logistic của các cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ hiện nay; Tình hình tiến độ tiêm vaccine của các doan nghiệp thuộc Hội, Hiệp hội cho các nhân công làm việc trong các cơ sở chế biến, giết mổ, thủy sản…
Đại diện Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cho biết, Công ty hiện có 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại Bình Dương, Tiền Giang, Quảng Nam. Sau thời gian dài ứng phó với tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp xin đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, khẩn thiết mong Nhà nước tạo điều kiện cho công nhân được tiêm vaccine để công nhân an tâm sản xuất, duy trì hoạt động, theo chủ trương vừa chống dịch vừa sản xuất. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển lưu thông hàng hóa, đặc biệt ơi các tỉnh miền Tây, hỗ trợ an toàn việc thu mua tôm. (Bởi hiện nay nhiều trường hợp tôm đến giai đoạn thu hoạch rồi nhưng không ai thu mua, thiệt hại kinh tế lớn quá, bà con không tái sản xuất được). Thứ ba, các tỉnh phải có kế hoạch và công khai thông tin thường xuyên cho các doanh nghiệp biết về việc nếu doanh nghiệp nào đó có F0 thì sau khi đưa F0 đi cách ly điều trị, nhà máy tiến hành khử khuẩn rồi thì bao nhiêu lâu sẽ được hoạt động trở lại, để doanh nghiệp có kế hoạch và phương án cho công nhân và nhân sự hoạt động?
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mong cơ quan nhà nước xem xét lại quy định “các mặt hàng thiết yếu”. Ông Đức, Công ty TNHH Shrimp Improvement Systems (SIS) cho biết: Ngành tôm có sự liên kết chặt chẽ với các ngành phụ trợ khác như bao bì đóng gói, hóa chất, thiết bị máy móc… Thành ra, nếu doanh nghiệp phụ trợ không hoạt động được thì các doanh nghiệp thiết yếu cũng cứng ngắc theo luôn.
Trên hết, các doanh nghiệp đều đặt nhiều hy vọng vào cơ quan nhà nước với những chiến lược vĩ mô để chống dịch. Mong là hiệu quả và dịch sẽ dứt càng sớm càng tốt.
Bài: Phan Thảo
Đồ họa: Phạm Dương