T6, 17/05/2024 02:30

Gỡ điểm nghẽn trong chống khai thác IUU

(TSVN) – Bộ NN&PTNT đã có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thực hiện tốt nhất 3 vấn đề trong khuyến cáo của EC, đó là: tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình, tàu không đăng ký. Đây chính là 3 điểm nghẽn khiến việc gỡ “thẻ vàng” IUU còn khó khăn.

Theo quy định tại Nghị định số 38/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, hành vi khai thác hải sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ nước ngoài mà không có giấy phép khai thác hải sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, việc tàu cá và ngư dân của nước ta vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ xử lý là một thách thức rất lớn đối với cả công tác quản lý tàu thuyền cũng như thực thi pháp luật thủy sản ở trên các vùng biển. 

Năm 2023, cả nước đã giảm ít nhất 60% số lượt tàu cũng như số người bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn diễn ra một số vụ vi phạm, bị các nước xung quanh bắt giữ, xử lý. Về vấn đề này, vẫn còn một số khó khăn và thách thức và chúng ta cần có thêm thời gian để quyết tâm giảm thiểu hơn nữa và tiến tới chấm dứt, ông Cường nhận định.

Cũng theo ông Cường, thách thức đầu tiên, đó là việc đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài mang lại lợi ích cho ngư dân lớn hơn so với khai thác ở trong nước. Cùng đó, còn tồn tại một số ngư dân và chủ tàu mặc dù nhận thức rõ, đây là hành vi cấm, là hành vi vi phạm nghiêm trọng, hành vi không được phép nhưng vẫn cố ý, cố tình thực hiện. Đặc biệt, gần đây xuất hiện một số những thủ đoạn, hành vi mang tính chất tinh vi hơn. Ví dụ như dùng tàu biển số giả hoặc dùng tàu cá không có biển số, hoặc chủ động tắt thiết bị giám sát hành trình để vượt ra khỏi ranh giới được phép khai thác trên biển của Việt Nam, sang quốc gia khác để đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Thủ đoạn này đã gây rất nhiều khó khăn và thách thức cho các lực lượng thực thi pháp luật như Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát Biển.

Khó khăn nữa là vẫn tồn tại những đường dây môi giới, “móc nối” để tổ chức đưa tàu và người của nước ta đi thực hiện hành vi vi phạm này. Hiện nay, Việt Nam đã khởi tố xét xử một vụ ở Kiên Giang, xử phạt theo quy định pháp luật hình sự. Ngoài ra, đối với vùng biển Tây Nam bộ, ngoài việc khai thác thủy sản ra, còn có những hoạt động kinh tế và thương mại khác, trong đó, có những vấn đề gian lận thương mại, vấn đề buôn lậu… Với địa bàn chồng lấn rất phức tạp, do đó, đây cũng là khó khăn, thách thức lớn đối với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Biên phòng cũng như các cơ quan chức năng để đạt được mục tiêu giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đến hết tháng 4/2024, nếu không khắc phục được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, thì đồng nghĩa với việc EC cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam vào thị trường EU. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển, thì việc nâng cao ý thức của ngư dân, chủ tàu, tài công… là yếu tố quyết định, là mấu chốt quan trọng trong việc thực hiện các khuyến cáo của EC về chống khai thác IUU.

Ông Cường cho rằng, để tháo gỡ cho vấn đề này, về mặt giải pháp, trước hết, chúng ta cần tăng cường lực lượng cơ sở từ Công an, Biên phòng, Kiểm ngư, đến chính quyền của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam bộ, tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau…; để nắm địa bàn, khoanh vùng đối tượng, khoanh vùng chủ tàu để vừa tuyên truyền, vừa răn đe để ngăn chặn từ sớm, từ xa. Sử dụng hệ thống dân vận, hệ thống mặt trận và các lực lượng có thẩm quyền, vừa tuyên truyền phổ biến giáo dục, vừa phát hiện, xử lý, ngăn từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm nghiêm trọng về IUU, đặc biệt là những hành vi môi giới, “móc nối” để đưa người và tàu đi vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài.

Giải pháp tiếp theo, đó là các lực lượng thực thi pháp luật sẽ phải tăng cường tuần tra, xử lý, kiểm soát ở trên các vùng biển. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng như lực lượng Kiểm ngư đang triển khai rất quyết liệt hoạt động này. Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng và cần thiết tại thời điểm này, đó là tiếp tục khởi tố một số những vụ án hình sự. Từ đó, để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhằm tạo sự răn đe trong cộng đồng ngư dân ven biển.

Về mặt lâu dài, chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Bởi, ý thức chấp hành pháp luật rất quan trọng, quyết định đến hành vi, để làm sao ngư dân hiểu rằng, đây là một nghĩa vụ để chung tay với cả nước trong việc chống khai thác IUU, cũng như gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Cũng theo quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, tắt thiết bị giám sát hành trình nhiều lần là tình tiết tăng nặng. Tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị trên tàu cá hoặc không có thiết bị trên tàu cá có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 – 500 triệu đồng, nếu tái phạm bị phạt đến 700 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng chia sẻ, trên thực tế, việc mất kết nối VMS của tàu cá có thể xảy ra trong một số trường hợp. Đối với nguyên nhân khách quan, thứ nhất là do chất lượng của thiết bị. Thứ hai, đối với một số tàu cá hoạt động ở các vùng biển thời tiết xấu, kết nối mạng yếu cho nên không được kết nối. Các phương tiện có thiết bị giám sát hành trình ngắt kết nối gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Nếu các tàu cá đi hoạt động trên biển mà ngắt kết nối, thì lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Hải quân không đủ lực lượng, phương tiện để dàn trải trên các vùng biển rộng của nước ta. 

Do vậy, đối với tàu cá ngắt kết nối dưới 6 giờ đồng hồ, lực lượng biên phòng sẽ tổ chức kêu gọi thông báo để kiểm tra lại hệ thống VMS, để tàu cá bật thiết bị giám sát hành trình. Đối với những tàu cá mất kết nối 10 ngày, sẽ kêu gọi, bằng mọi biện pháp để tàu cá phải bật thiết bị giám sát hành trình; sau đó, các tàu này về sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.

Theo ông Hưng, để đạt được mục tiêu không để tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, hơn hết, chúng ta vẫn phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục và tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn từ sớm, từ xa. Sau đó, phải tổ chức xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm để tăng cường tính răn đe. 

Ghi nhận công tác chống khai thác IUU tại một số địa phương cho thấy, hạn chế hiện nay đó là một số nơi vẫn chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không” (Không đăng kiểm, Không đăng ký, Không giấy phép); như tại Quảng Ninh, Phú Yên, Kiên Giang… Để hóa giải thách thức này, nhiều tỉnh, thành ven biển đã tích cực tổng kiểm tra, rà soát số lượng tàu cá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các tàu cá “3 không”.

Như tại Bạc Liêu, thực hiện chống khai thác IUU, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các Đồn Biên phòng, địa phương có tàu cá rà soát, thống kê chặt chẽ, lập danh sách các tàu “3 không” để phối hợp quản lý. Danh sách này được gửi đến các đồn, trạm biên phòng, chính quyền địa phương, ban quản lý cảng cá và các tỉnh ven biển lân cận để hỗ trợ kiểm soát. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân trình tự, thủ tục đăng kiểm, đăng ký và cấp phép để đưa vào danh sách quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đối với các tàu không đủ điều kiện, thủ tục thì kiên quyết không cho ra khơi khai thác thủy hải sản…

Tính đến cuối tháng 3/2024, Bình Thuận là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn tàu cá “3 không”; khi hoàn thành cấp đăng ký tạm thời cho hơn 2.380 tàu cá “3 không”. Điều này sẽ giúp quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản; đồng thời, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác IUU; đánh bắt sai vùng, sai tuyến. Việc cấp đăng ký tạm thời cho tàu cá “3 không” không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý, giám sát tàu cá mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!