Tại cuộc họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ban, ngành và địa phương suốt thời gian qua. Trong 3 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra EC, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực được phía EC ghi nhận.

 

Chúng ta đã hoàn thành được một số nhiệm vụ và có sự tiến bộ rõ rệt như sửa đổi khung pháp lý cơ bản để đáp ứng yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU, từng bước giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác. Bước đầu cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, nhanh chóng lắp đặt, theo dõi, giám sát tàu cá qua Hệ thống giám sát tàu cá đã có kết quả. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã từng bước được cải thiện.

 

Cũng trong thời gian qua, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống khai thác bất hợp pháp, xử lý các vi phạm. Các địa phương đã thành lập các chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động. Đến nay tại một số tỉnh thành đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 

Vừa qua, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống IUU cho ngư dân, trong hai ngày 5/9 – 6/9, tại khu vực Hòn La, tỉnh Quảng Bình, tàu CSB 1014/Hải đội 102/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã tổ chức tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 và một số quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đồng thời trao tặng 50 lá cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân. Đây là những hoạt động thiết thực, góp phần giúp bà con ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không vi phạm khi tham gia đánh bắt tại các vùng biển. Đồng thời, hỗ trợ tinh thần bà con ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

 

Riêng tại tỉnh Cà Mau, theo thống kê từ UBND tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt tỷ lệ 100% và cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá của tỉnh trên Hệ thống Phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống Giám sát Tàu cá

Tuy đã có sự vào cuộc từ Trung ương tới địa phương, nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn đọng trong khâu tổ chức triển khai thực hiện; một số nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành theo tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Quá trình hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) chưa hiệu quả và triệt để. Các hành vi vi phạm khai thác IUU vẫn chưa được xử lý nghiêm minh, còn nhiều yếu kém, thiếu thống nhất, đồng bộ. Các công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu chưa đảm bảo theo quy định, có hiện tượng hợp thức hóa hồ sơ bất hợp pháp đã bị phía EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 3. Một số tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

 

Nguyên nhân chính dẫn đến những lỗ hổng trên là sự lơ là, chủ quan của một số địa phương, thực hiện chưa nghiêm túc những nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Chính sự thiếu đồng bộ trong khâu quản lý đã khiến cho quá trình “Gỡ thẻ vàng IUU” của nước ta gặp nhiều thách thức, trở ngại trong thời gian qua.

Theo ước tính của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu trong thời gian tới chúng ta không sớm gỡ bỏ “thẻ vàng”, thậm chí bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm. Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể triển khai những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ”, các doanh nghiệp và công nhân tại hơn 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân trên cả nước sẽ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây ra những tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia, cản trở bước tiến hội nhập, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các đối tác chiến lược song phương mà chúng ta đang hướng đến. 

 

Tính đến nay đã gần 6 năm, mặc dù đã nỗ lực không ngừng nhưng nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10/2023 sắp tới và Việt Nam đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Việt Nam cần chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo, kịch bản tiếp đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4. Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phải hoàn thành trước tháng 10/2023. 

 

Để đạt được mục tiêu này, ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngư dân đã và đang là những yếu tố then chốt, nhằm đưa nước ta vượt ra khỏi “tình thế ngàn cân” trong thời gian tới. Xóa được “thẻ vàng” góp phần bảo toàn sinh kế cho hàng triệu ngư dân lao động trực tiếp, gián tiếp ven biển. Và hơn hết, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chúng ta nhằm bảo đảm uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trong khu vực và trên thế giới.

error: Content is protected !!