T6, 06/05/2022 09:00

Hạ tầng nghề cá: Bước đột phá chiến lược

(TSVN) – Trong phát triển hạ tầng nghề cá thì công tác quy hoạch hệ thống cảng cá sẽ góp phần thay đổi diện mạo và giúp ngành thủy sản phát triển bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu ngành thủy sản xây dựng một quy hoạch tổng thể về lĩnh vực này, tiến tới ban hành bộ quy định về kinh tế kỹ thuật, cũng như đầu tư dịch vụ công để hướng dẫn cho các địa phương.

Chia sẻ tại Hội thảo toàn quốc để góp ý Dự thảo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được tổ chức tại TP Đà Nẵng mới đây; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, cả nước có 92 cảng cá và 87 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng (theo quy hoạch giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, cả nước phải có 125 cảng cá và 146 khu neo đậu tránh trú bão). Tuy nhiên, cả nước chỉ có 68 cảng cá và 74 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện và được công bố mở theo quy định.

Thực tế hiện nay cho thấy, quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu theo Quy hoạch ở Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2015, đặc biệt là các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017. Việc đầu tư cho xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn thấp so với yêu cầu, đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch… Tất cả khiến nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khai thác. Cùng đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hạ tầng cảng cá.

Có mặt tại Côn Đảo, chúng tôi đã đến cảng cá tại đây, nơi có thể neo trú khoảng 300 tàu đánh cá tránh bão. Tuy nhiên, ngoài một cầu tàu nhỏ, hầu như cảng cá chưa được đầu tư gì nhiều. Do không có nhà máy làm đá nên đá cây rất đắt. Nếu trong bờ bình thường một cây đá chỉ dăm chục nghìn đồng thì tại Côn Đảo, nếu tính cả chuyên chở thì có thể lên tới vài trăm nghìn. Mọi chi phí đều đắt đỏ. Nguồn nước ngọt hạn chế, chủ yếu dùng bể dự trữ nước mưa, điện thì không có điện lưới quốc gia.

Một vị lãnh đạo huyện Côn Đảo nói với phóng viên: “Tiếng là đảo ngoài khơi, bốn bề là biển, nhưng đa số tàu cá của Côn Đảo chỉ khai thác quanh đảo và phục vụ cho khách du lịch”. Chị Lan, một người bán mực ở chợ Côn Đảo nói: “Mực đánh bắt về, tiêu thụ rất khó khăn. Dân chúng tôi đều tự phơi mực bằng tay, rao bán trên mạng xã hội. Nếu khách đất liền mua thì chúng tôi gửi qua máy bay”. Người dân nơi đây vẫn luôn mơ ước về các nhà máy chế biến thủy, hải sản mang thương hiệu Côn Đảo. Vai trò hậu cần nghề cá tại Côn Đảo nói riêng và nhiều huyện đảo trên cả nước vẫn chưa phát triển xứng tầm với vai trò và vị trí chiến lược của mình. Hiện toàn bộ hệ thống cảng cá của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với quy định trong Luật Thủy sản cũng như quy định chống khai thác IUU. Các cảng cá chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cũng như sản lượng cập cảng. Chưa đáp ứng được tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng, đặc biệt, chưa đáp ứng được tiêu chí về cơ giới hóa và đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ NN&PTNT đã và đang quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo quy hoạch thời gian tới cả nước sẽ xây dựng hoàn thiện nhiều cảng mới, nâng số lượng trên cả nước lên tới 157 cảng cá và 152 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Hiện nay, trong 68 cảng cá chỉ có 3 cảng loại I. Mới chỉ 83/146 khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư.

Dự thảo xác định cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần được đầu tư phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thời gian tới đây.

Theo tính toán, diện tích đất và mặt nước phục vụ hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 cần khoảng 6.700 ha (nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.133 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.590 ha). Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là 60.150 tỷ đồng và cơ bản là huy động từ nguồn ngân sách và vốn doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn đầu tư cần khoảng hơn 34.600 tỷ đồng và giai đoạn 2025 – 2030 khoảng gần 25.500 tỷ đồng.

Rõ ràng, ngân sách nhà nước chỉ có thể dùng cho những hạng mục nền tảng thuộc về hạ tầng. Các cảng cá hiện đại luôn cần sự chung tay của các hiệp hội, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Bản thân các cảng cá cũng cần có sự cạnh tranh và những nét độc đáo riêng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho rằng, Nhà nước nên khuyến khích, có cơ chế ưu đãi để thu hút khu vực tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Để tránh sự đầu tư, phát triển mang tính phong trào, vừa thừa lại vừa thiếu, rất cần có những quy hoạch cụ thể hơn cho các cảng và cụm cảng với những công năng hậu cần riêng. Từ đó, hình thành nên các cụm công nghiệp, nuôi trồng, chế biến phù hợp để giảm chi phí vận chuyển; đồng thời phát huy thế mạnh của từng vùng từng khu vực, địa phương. Bởi vậy, quy hoạch cảng cá cũng nằm chung trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng, khu vực, để phát triển các cảng cá xứng tầm là các trung tâm kinh tế đầu tàu của khu vực, của ngành.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!