Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này đã tạo một cú sốc lớn nhất từ trước đến nay bởi số lượng người mắc và số tỉnh, thành phố buộc phải áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn. Thế nhưng, tình trạng này đã khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, nhiều ngành nghề bị ngưng trệ, trong đó ngành thủy sản không ngoại lệ.
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, ngành thủy sản tháng 8 ảnh hưởng nặng của đại dịch COVID-19, sản lượng thủy sản giảm, xuất khẩu cũng giảm. Trong khi đó, nhà máy dừng hoạt động nhiều, nhưng nhà máy còn hoạt động thì gặp khó khăn vì thiếu vật tư đầu vào, bao bì, nhãn mác, lưu thông khó khăn dẫn đến ách tắc.
Bên cạnh đó, theo đại diện của VASEP, các doanh nghiệp cùng lúc phải đối diện 4 áp lực lớn. Thứ nhất là về lao động, doanh nghiệp công nhân đông nhưng việc ít, có đến 70% nhà máy ngừng sản xuất, 30% nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng chỉ có 20 – 40% công nhân được huy động vì điều kiện sản xuất hạn chế dẫn đến nhà máy giảm công suất, ảnh hưởng tới việc thu mua nguyên liệu, dẫn tới không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. Trong tháng 8, lượng nguyên liệu nhiều những doanh nghiệp không tổ chức thu mua được nên giá bị giảm mạnh, điển hình là tôm với mức giá giảm trung bình 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Thứ hai, doanh nghiệp nhận định dịch căng thẳng chỉ trong 2 tuần thì lượng hàng vẫn ổn, tuy nhiên, dịch kéo dài nên doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn hàng, dẫn tới việc giảm và cắt đơn hàng, đặc biệt là áp lực rất lớn ở tuần giữa tháng 9 này.Thứ ba, nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không… trung chuyển gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn rất nhiều chi phí khác, như trả lương cho công nhân khi nghỉ việc, chi phí cho lao động tại chỗ cao… dẫn tới giá thành sản xuất tăng. Hoặc như, dù doanh nghiệp có nghỉ sản xuất thì các chi phí như bảo hiểm, công đoàn… vẫn phải đóng, chỉ duy nhất có chi phí điện được ngành công thương giải quyết một phần.
Theo nhận định chung, giữa tháng 9 này áp lực của doanh nghiệp lên đến đỉnh điểm, đây được coi là ngưỡng ảnh hưởng đến sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp cũng như ngành thủy sản. Vấn đề cần nhất bây giờ là vaccine. Hiện nay, chỉ một số tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu ưu tiên cho công nhân, thế nên doanh nghiệp huy động được công công nhân hơn, còn lại rất ít.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ hiện các nhà máy chỉ còn hoạt động mức 25 – 30% công suất. Công nhân của Minh Phú đi làm cũng chỉ được trên 23%, tỷ lệ công nhân được tiêm vaccine vẫn thấp.Điều quan trọng với doanh nghiệp lúc này là cho nhà máy sản xuất càng cao càng tốt. Doanh nghiệp có phương án tốt thì cho làm, không nên đánh đồng với những doanh nghiệp chưa thực hiện tốt. Có như vậy mới thúc đẩy giá thu mua nguyên liệu tăng được, người dân cũng nhận được kết quả tốt. Bởi hiện nay giá tôm thành phẩm tại thị trường quốc tế tăng rất nhiều.
“Theo tôi,để nhà máy có thể sản xuất tốt thì áp dụng 1 cung đường nhiều điểm đến, tức là từ nhà họ đến nhà máy, với điều kiện công nhân được test COVID-19 liên tục. Có cơ chế giải quyết, phối hợp giữa các tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, vì như hiện nay thì công nhân không thể đi làm được (vì công nhân của nhà máy ở nhiều địa phương chứ không phải trong một tỉnh), trong khi giá bán hàng ở thị trường thế giới tăng, đơn hàng nhiều mà không sản xuất được. Doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn với việc phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống của người lao động”, ông Quang nhấn mạnh.
Còn đại diện Công ty IDI cho biết, Công ty thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 5/7 đến nay nhưng cũng chỉ đáp ứng được 30% công suất. Dù doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất thì công nhân rất thiếu. Do vậy, mong muốn Bộ, địa phương hỗ trợ giải tỏa vấn đề này. Sau khi địa phương không phải thực hiện Chỉ thị 16 thì để Công ty thực hiện sản xuất mà không cần “3 tại chỗ”.Ngoài ra, dù Chính phủ đãkêu gọi ngân hàng hỗ trợ lãi suất, nhưng mỗi ngân hàng có một chính sách khác và chưa đáng kể (chỉ 0,5%), gói hỗ trợ mới thấp. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nam Miền Trung, chia sẻ: Với vai trò là nhà sản xuất, tôi nêu lên những thực trạng như sau: Hiện nay, trên 90% người sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, về di chuyển, test xét nghiệm, giấy thông hành được xác nhận của các bên… đã dẫn đến những khó khăn của ngành tôm. Việc phòng dịch ở Việt Nam giải quyết theo kiểu “dẫm chân nhau” nên doanh nghiệp không sản xuất được. Mặt khác, nguyên nhân đứt gãy xương sống chuỗi sản xuất là do không khớp nhau. Dù một doanh nghiệp chủ động sản xuất “3 tại chỗ” thì vẫn gặp khó đầu vào.Nguyên liệu về nhà máy không được, sản phẩm ra thị trường không được.Quyết định ngặt nghèo, người dân e dè… thì phải làm sao?
Tôi đề xuất nên xây dựng kế hoạch cụ thể cho ngành tôm từ dịch vụ sản xuất, chế biến để chuỗi mắt xích lưu thông, sau đó trình Chính phủ ban hành nhằm khơi thông sản xuất.Riêng lĩnh vực nông nghiệp đề xuất hàng hóa nào cũng là thiết yếu, tất cả các doanh nghiệp trong nông nghiệp giảm 50% giá điện hiện tại.Ngành tôm cần vốn cho sản xuất vụ tới, gói vốn mở ra lãi suất 3 – 4%/năm nhằm thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận.
Hiện nay, vaccine phòng chống dịch COVID-19 đang rất khan hiếm, việc ưu tiên cho từng vùng hay từng đối tượng đã khiến cho nhiều trường hợp cần nhưng chưa đến lượt. Đây cũng là một trong những trở ngại xảy ra với các doanh nghiệp. Nhận định về điều này, ông Lê Văn Quang cho rằng việc tiêm vaccine nên được xã hội hóa chứ đợi phân bổ của địa phương thì không ổn, nên cho tiêm dịch vụ.
Còn ông Nguyễn Hoàng Anh nêu quan điểm rằng vấn đề vaccine cũng có những bất cập, vaccine khan hiếm nên dẫn đến việc phải phân bổ. Bất cập nữa là những người đã tiêm đủ 2 mũi hiện vẫn bị cách ly khi đến địa phương khác, như thế tiêm vaccine “bằng thừa”. Ứng xử với người tiêm vaccine chưa phù hợp nên cần giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
Đồng tình vấn đề này, ông Bùi Bá Sự, Tập đoàn Thủy sản Việt – Úc, cũng cho rằng công nhân, người lao động đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi sau 14 ngày được đi lại, làm việc bình thường để ổn định sản xuất.
Đề xuất ưu tiên vaccine cho lĩnh vực thủy sản nhận được sự ủng hộ cao của đại diện các địa phương, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, cho rằng cần ưu tiên vaccine cho chuỗi cung ứng. Hiện nay, nguồn vaccine của Bộ Y tế chuyển tới các tỉnh rất ít, Bộ Y tế nên ưu tiên cho đối tượng này. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện mới tiêm cho nhân lực ở cảng cá, tiêm hết rồi, còn nậu vựa rất ít và trong nuôi trồng thủy sản thì chưa.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các địa phương mang lại kết quả tương đối rõ nét. Chúng ta vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép”, giữ chuỗi cung ứng dù nhiều khó khăn.Cần ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này vì phía sau họ là hàng chục triệu hộ nông dân.
Về vận chuyển hàng hóa, nên phân loại hàng thiết yếu giữa các tỉnh, vật tư và sản phẩm nông sản phải được ưu tiên. Lưu thông con người giữa các tỉnh, vì các cơ sở chế biến bế tắc thì kho tồn, kho tồn thì dẫn đến ao tồn, rồi hệ lụy là không thể tái sản xuất được.
Bài: Hồng Hà; Ảnh: Phạm Dương