T4, 24/08/2022 08:59

Ngành tôm thế giới: Xu hướng nguồn cung và định hướng thị trường

(TSVN) – Sản lượng tôm toàn cầu năm 2021 và nửa đầu năm 2022 đã tăng cao hơn, trong đó Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia là những điểm sáng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay cạnh tranh giữa tôm Mỹ Latinh và tôm châu Á ngày càng gay gắt.

Nhận xét về toàn cảnh thị trường tôm thế giới, vị thế hiện tại và tương lai của tôm châu Á trên thị trường quốc tế, ông Robins McIntosh, Giám đốc Charoen Pokphand Foods (C.P Foods), Thái Lan, cho biết tổng sản lượng tôm thế giới năm 2021 đạt 4,6 triệu tấn và dự kiến 5 triệu tấn vào năm nay, chủ yếu nhờ lực đẩy từ ngành tôm Ecuador. Ecuador vẫn đang dẫn đầu ngành tôm châu Mỹ, thậm chí vượt châu Á, nơi từng chiếm 82% nguồn cung tôm toàn cầu. Năm nay, thị phần tôm của châu Á đã giảm xuống 65% và châu Mỹ là 31%.

 

Một xu hướng gần đây là phong trào quay lại với tôm sú. Ông McIntosh cũng dự báo lượng tôm sú từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng nhờ những tiến bộ về tôm giống SPF, tốc độ tăng trưởng trung bình (ADG) từ 0,3 g (2010) lên 0,5 g (2021). Tại Ấn Độ, một số nông dân đã quay lại với tôm sú, theo ông Manoj Sharma tại Mayank Aquaculture. Họ mua tôm sú SPF từ Moana với ADG khoảng 0,47 g, trong khi tôm sú giống tự nhiên chỉ 0,27 g. Thời gian nuôi tôm sú Moana cũng rút xuống 120 ngày, so với 200 ngày nuôi tự nhiên. Nhưng tỷ lệ thành công phụ thuộc vào mật độ không vượt quá 10 – 12 PL/m2.

 

Ngành tôm Ecuador chỉ mới vực dậy vào năm 2006 sau 4 năm lao đao vì đại dịch đốm trắng (WSSV). Từ đó, các trại tôm nỗ lực duy trì tăng trưởng, theo bà Yahira Piedrahita, Phòng NTTS quốc gia Ecuador. “Hơn 20 năm qua, chúng tôi đã giữ tăng trưởng liên tục nhờ sử dụng các chương trình chọn lọc di truyền địa phương, nuôi tôm bán thâm canh, mật độ 15 – 25 PL/m2 và diện tích 1 – 5 ha. Diện tích ao nuôi tôm trong thời gian này chỉ tăng dưới 1/5 nhưng sản lượng lại tăng từ 215 kg/ha/năm lên 3,9 tấn/ha/năm”, bà nói.

 

Nói về cách Ecuador vượt qua thách thức, bà Piedrahita cho biết không giống châu Á đang sử dụng chương trình chọn lọc di truyền SPF, ngành tôm Ecuador chỉ sử dụng tôm bố mẹ kháng bệnh và thả ở mật độ thấp trong ao rộng hơn. Đặc biệt, phần lớn trại nuôi tôm Ecuador sử dụng máy cho ăn tự động, cảm biến âm thanh để tối ưu sử dụng thức ăn và AI để phỏng đoán kích cỡ và sức khỏe của vật nuôi. Về phát triển thị trường xuất khẩu, người nuôi tôm cam kết đáp ứng các yếu tố môi trường, bền vững và an toàn với người tiêu dùng.

Sản lượng tôm của Ấn Độ trong năm 2021 đạt 805.000 tấn, tăng 15% so năm 2019. Năm 2021, sản lượng tôm của nước này sụt giảm xuống 650.000 tấn, theo Manoj. Tỷ lệ thành công của các trại tôm ở Ấn Độ vào năm 2021 chỉ 47% trong khi năm 2010 là 85% do tôm giống chất lượng kém, tăng trưởng chậm, dịch bệnh hoành hành, trong đó mối đe dọa lớn nhất là dịch đốm trắng. Khoảng 90% trại nuôi tôm tại Ấn Độ có diện tích dưới 5 ha, tổng diện tích 200.000 ha với sản lượng 5 tấn/ha. Tuy nhiên, nông dân tại Ấn Độ đang đối mặt thách thức chi phí đầu vào gồm năng lượng tăng 15%, thức ăn tăng 20%.

 

Hơn 5 năm qua, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đã tăng 13%, diện tích nuôi tôm tăng 18% từ 94.000 ha lên 115.000 ha. Đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và ngập mặn, đặc biệt trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ngành tôm Việt Nam đối đầu cạnh tranh gay gắt và áp lực giá bán cũng như nguồn cung từ Ấn Độ và Ecuador. Do đó, giá tôm Việt Nam cao hơn các quốc gia khác, đòi hỏi người nuôi tôm phải phấn đấu chứng nhận quốc tế như ASC hoặc GlobalG.A.P để có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Sản lượng tôm của Indonesia theo ước tính của Shrimp Club Indonesia chỉ 400.000 – 500.000 tấn. Năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt 9.055 ha, trong đó có 32% diện tích ao nuôi tôm thâm canh, 51% bán thâm canh và 17% ao nuôi truyền thống. Dù vậy, Chính phủ Indonesia vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu tôm 4,3 tỷ USD vào năm 2025 thông qua hỗ trợ cơ sở hạ tầng và nhiều dự án hợp tác nuôi tôm. Thách thức lớn nhất hiện nay của ngành tôm Indonesia cũng là dịch bệnh, chi phí thức ăn, năng lượng và nguồn cung tôm giống chất lượng cao.


Dẫn đầu về sản lượng nuôi tôm vẫn là Trung Quốc với 22,5 – 37,5 tấn/ha với tổng sản lượng 3,2 triệu tấn gồm tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất… Chi phí sản xuất cũng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của tôm Trung Quốc so với các đối thủ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Mexico. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể mạnh về tôm giống, thức ăn, điện năng nhưng điểm yếu vẫn là kiểm soát dịch bệnh và chi phí lao động.

Thương mại ngành tôm dần ổn định trở lại do tác động từ COVID-19 suy yếu dần. Các hoạt động giao dịch mặt hàng tôm trong năm 2021 đã tăng 13% so năm 2019. Sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ cũng kéo nhập khẩu tăng 26%. Nhu cầu tiêu thụ tôm từ các kênh bán lẻ tại Mỹ vẫn đi lên và nhóm sản phẩm tôm thịt đông lạnh đang độc chiếm kênh tiêu thụ này với khối lượng nhập khẩu 125.000 tấn tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, tỷ lệ nhập khẩu tôm giá trị gia tăng cũng tăng 16%. Hiện, các hãng tôm Ấn Độ đang cạnh tranh với các đối thủ Indonesia và Ecuador, đáng ngại nhất là Ecuador có lợi thế gần thị trường Mỹ. Do đó, xuất khẩu tôm của Ấn Độ cũng chững lại trong tháng 5 vừa qua và giá bán tôm cổng trại ở Andhra Pradesh cỡ 30 con/kg cũng giảm. Theo ông Balod, một chuyên gia phân tích tại Kontali, Ecuador đang làm “bá chủ” thị trường tôm Mỹ ở các phân khúc tôm lột vỏ, HLSO, và HOSO. Hiện tôm vẫn là sản phẩm thủy sản phổ biến nhất tại Mỹ với tiêu thụ bình quân năm 2020 là 2,3 kg/người. Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu tại Mỹ giảm là điều không thể tránh do nguồn cung ồ ạt từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia cùng áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế.

 

Tại thị trường EU, theo ông Willen Pijil tại Shrimp Insights, nhập khẩu tôm nuôi trong năm 2021 đạt 460.000 tấn, trong đó 300.000 tấn tôm sú. Năm ngoái, tôm Ecuador chiếm thị phần 48% tại EU, Ấn Độ và Việt Nam cùng nắm 10% và còn lại 9% thuộc về Venezuela. Nhưng nguồn cung tôm sú chính cho EU vẫn là Bangladesh. Ông Pijil cho biết, các thị trường Bắc và Tây Âu đang có xu hướng chuyển sang nhập khẩu tôm Nam Mỹ, thay vì châu Á do giá rẻ hơn. Đáng nói, không chỉ sở hữu giá bán rẻ, các hãng tôm Nam Mỹ đang chú trọng đầu tư PR, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng hơn so với các đối thủ châu Á. Do đó, đại đa số người tiêu dùng châu Âu đều nhận thức rằng tôm Nam Mỹ ít rủi ro hơn, chất lượng tốt hơn và thậm chí bền vững hơn tôm châu Á. Bài toán khó với tôm châu Á hiện nay là xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng châu Âu theo cách thức mà tôm Nam Mỹ đã thực hiện thành công.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!