Nhìn vào kết quả thả nuôi từ đầu quý II/2023 đến nay có thể thấy, nguồn cung tôm nguyên liệu từ nay trở đi sẽ giảm so với cùng kỳ, nhưng cũng không quá áp lực đối với doanh nghiệp.
Tại ĐBSCL, các tỉnh nuôi tôm trọng điểm như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tuy diện tích thả nuôi TTCT có giảm, nhưng bù lại số diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh có phần tăng. Đây cũng chính là nguyên nhân giúp nguồn cung tôm nguyên liệu trong khu vực khá ổn định từ đầu năm đến nay, kể cả khi giá tôm xuống thấp. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, với lượng hợp đồng từ nay đến cuối năm không quá lớn, công thêm nguồn tôm bock dự trữ khá nên áp lực về nguyên liệu sẽ không quá lớn cho giai đoạn đầu quý III này. Tuy nhiên, nếu tình hình thả nuôi không được cải thiện, áp lực nguyên liệu sẽ tăng lên từ cuối quý III hoặc chậm nhất là đầuquý IV/2023.
Điều khó khăn trong việc thuyết phục người nuôi an tâm tiếp tục thả giống không chỉ đến từ trở ngại do thời tiết, dịch bệnh, mà chủ yếu là chi phí đầu tư cao, nhưng giá tôm hiện đang đang ở mức quá thấp. Với góc nhìn của doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu, theo ông Lực, nhưng khó khăn của người nuôi tôm hiện nay càng cho thấy liên kết trong chuỗi ngành hàng để giảm giá thành là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, theo ông Lực, các doanh nghiệp có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các doanh nghiệp chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững. Cái quan tâm hơn cả, làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi tới đây.
Theo các chuyên gia, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi tôm, nhưng thả với mật độ thưa và tiến hành thu hoạch thành nhiều đợt để tranh thủ bán tôm vào thời điểm giá cao. Cũng như, góp phần giữ vững diện tích nuôi, chủ động tránh hư hỏng ao nuôi và trang thiết bị. Cần tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình về lớn, phương án có thể 50% thu ở cỡ vừa, 30 – 40% về cỡ trung và 10 – 20% nuôi lên cỡ lớn.
Trước đó, Vasep đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp mua dự trữ nguyên liệu để xuất khẩu sau 3 – 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao.