Dosidicus gigas, hay còn gọi là mực Humboldt, là loài mực bị đánh bắt nhiều nhất trên thế giới. Trong những thập kỷ gần đây, các tàu công nghiệp đã ngày càng nhắm mục tiêu đánh bắt vào loài này trên đại dương – bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, trong khi các quy định không theo kịp. Sự xuất hiện của nghề đánh bắt mực ống ở Đông Nam Thái Bình Dương đã thu hút được nhiều sự chú ý khiến các chuyên gia lo lắng về sức khỏe trữ lượng và hệ sinh thái đại dương của loài này.

 

Ông Phillip Chou, Giám đốc cấp cao về chính sách toàn cầu tại Oceana – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế tập trung vào đại dương, cho biết: “Tôi lo ngại về sản lượng, số lượng tàu đi đánh bắt mực khổng lồ ở những khu vực khác nhau này”. Trong khi đó, ông Will McCallum, Đồng Giám đốc điều hành của Greenpeace Vương quốc Anh, mô tả sự phát triển nghề khai thác mực ống là “một trong những ví dụ điển hình nhất về công nghiệp hóa vùng biển cả”.

Trong vài thập kỷ qua, sản lượng khai thác động vật chân đầu trên toàn cầu – trong đó có mực nang và bạch tuộc – đã tăng gấp 10 lần, từ khoảng 500.000 tấn hàng năm vào năm 1950 lên mức cao nhất là 4,85 triệu tấn vào năm 2014. Mức tăng nhanh nhất là ở nghề khai thác mực ống. Mực ống là động vật không xương sống có thân hình thon dài, mềm, thường có tám xúc tu và hai xúc tu dài hơn. Loại sản phẩm này được dùng làm thực phẩm cho con người, và ở một số vùng, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng đồng thời với sự suy giảm nghề cá truyền thống, cho thấy mực ống đang trở thành sản phẩm thay thế cá trên thị trường. Ví dụ, ở Tây Bắc Thái Bình Dương, sự sụt giảm trong các nghề cá truyền thống như cá mòi Nhật Bản hay cá minh thái Alaska đã được bù đắp bằng sự bùng nổ hoạt động khai thác các loài động vật chân đầu, chủ yếu là mực ống.

 

Mặc dù các quần thể mực ống hiện không được phân loại là loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng các nhà khoa học cho biết sự gia tăng nhanh chóng gần đây trong hoạt động đánh bắt không theo quy định đang khiến các quần thể mực ống này gặp rủi ro. “Mực rất quan trọng đối với hệ sinh thái. Nó không chỉ là thức ăn cho con người mà còn cho các loài động vật khác trong đại dương”, ông Alexander Arkhipkin, Nhà khoa học thủy sản cấp cao tại Cục Thủy sản Đảo Falkland cho biết.

 

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2023 trên Tạp chí Science Advances, nghề đánh bắt mực ống hiện đang được mở rộng và phát triển trên đại dương. Trong giai đoạn 2017 – 2020, nỗ lực đánh bắt của đội tàu câu mực toàn cầu đã tăng 68%, từ 149.000 ngày đánh bắt mỗi năm vào năm 2017 lên 251.000 ngày vào năm 2020.

Các tàu câu mực ngoài khơi trong khu vực không được kiểm soát chủ yếu là tàu câu mực công nghiệp. Những tàu có tính cơ động cao này di chuyển dễ dàng giữa các ngư trường và ở trên biển trong thời gian dài, thường là từ ba tháng đến một năm, để tối đa hóa sản lượng đánh bắt dựa trên sự phong phú theo mùa. Nhiều quốc gia đánh bắt ở những khu vực không được kiểm soát này nhưng chủ yếu là các tàu treo cờ Trung Quốc, chiếm ưu thế về cả số lượng và số giờ đánh bắt.

 

Theo nghiên cứu gần đây được dẫn dắt bởi chuyên gia chính sách đại dương Katherine Seto thuộc Đại học California, 86% nỗ lực đánh bắt mực ống hiện tập trung ở các khu vực không được kiểm soát và 92% hoạt động đánh bắt trong số đó là của các tàu mang cờ Trung Quốc. Bà Seto cho biết: “Ngày càng tăng số lượng tàu đánh cá, tăng số giờ đánh bắt cá trên các khu vực không được kiểm soát”.

Phần lớn trữ lượng mực ống trên biển không được kiểm soát. Hiện tại, 17 cơ quan được gọi là tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO) có trách nhiệm giám sát nghề cá ở vùng biển quốc tế. Các cơ quan này có nhiệm vụ phân bổ hạn ngạch giữa các quốc gia thành viên, để giảm đánh bắt nhầm và giảm thiểu hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, các RFMO chỉ giám sát một số nguồn cá nhất định hoặc một số khu vực nhất định, ví dụ như cá ngừ ở Thái Bình Dương hoặc nghề cá nói chung ở một khu vực xác định. Hạn chế của hệ thống này là để lại một số nghề cá như đánh bắt mực, và một số ngư trường phong phú nhất của đại dương không có sự giám sát.

 

Hiện, 4 khu vực tập trung trữ lượng mực ống: Đông Nam và Tây Bắc Thái Bình Dương, Tây Nam Đại Tây Dương và Tây Bắc Ấn Độ Dương. Ở phía Đông Nam Thái Bình Dương, mỗi tháng, vài nghìn tấn mực Humboldt được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Ecuador, Peru và Chilê. Sản lượng đánh bắt ở khu vực này chiếm khoảng một nửa sản lượng đánh bắt mực hàng năm trên toàn cầu, nhưng trong những năm gần đây, sản lượng đánh bắt trên mỗi đơn vị nỗ lực (CPUE) của đội tàu đã giảm mạnh, cho thấy nguồn cung đang gặp khó khăn.

 

Ông Arkhipkin cho biết: “Trong 2, 3 năm qua, có những dấu hiệu cho thấy trữ lượng đang bắt đầu giảm. Một sự sụt giảm mạnh đã được ghi nhận ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi một đội tàu công nghiệp lớn nhắm vào loài mực bay Nhật Bản (Todarodes pacificus) và mực bay neon (Ommastrephes bartramii).

 

Ở Tây Nam Đại Tây Dương, nghề đánh bắt mực vây ngắn Argentina (Illex argentinus) – một loài nhỏ hơn, có vòng đời ngắn – đã nổi lên trong những năm gần đây, thu hút các tàu công nghiệp nước ngoài cũng như đội tàu nội địa. Mực hiện chiếm 10 – 40% lượng khai thác hàng năm của khu vực. Ở phía Tây Bắc Ấn Độ, bên ngoài vùng biển quốc gia của Yemen và Oman, nghề đánh bắt mực – chủ yếu nhắm vào mực lưng tím (Sthenoteuthis oualaniensis) – cũng đã chứng kiến ​​sự mở rộng chưa từng có trong lịch sử trong những năm gần đây. Từ năm 2015 – 2019, đội tàu đã tăng quy mô lên 830%.

Sử dụng dữ liệu từ Global Fishing Watch, bản đồ này hiển thị rõ ràng 4 khu vực diễn ra mức độ đánh bắt mực lớn nhất. Phần lớn trong số này nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế, thường kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia. Các khu vực được tô màu đỏ là không được kiểm soát và khu vực được tô màu vàng được quản lý bởi Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương.

Phần lớn, sự gia tăng hoạt động đánh bắt mực đang diễn ra bên ngoài phạm vi quyền hạn của các RFMO, ở những vùng xa xôi của đại dương. Ở Tây Nam Đại Tây Dương, nơi mực vây ngắn Argentina tập trung, không có RFMO do tranh chấp chính trị đang diễn ra đối với quần đảo Falklands/Malvinas. Trong trường hợp không có cơ quan có thẩm quyền đặt ra các quy định về số lượng hoặc kích thước của tàu thuyền, hoặc lượng đánh bắt được phép, thì một đội tàu công nghiệp lớn, cả trong nước và nước ngoài, đều tham gia đánh bắt.

 

Tương tự, ở phía Tây Bắc Ấn Độ, nghề khai thác mực đang mở rộng ở khu vực không có RFMO. Một báo cáo năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Trygg Mat Tracking (TMT) đã tiết lộ tốc độ mở rộng nhanh chóng kể trong giai đoạn 2017 – 2020. Nhà phân tích cấp cao Eleanor Partridge cho biết nghề cá này chủ yếu là các tàu treo cờ Trung Quốc, với đội tàu tăng từ khoảng 30 tàu năm 2017 lên 279 tàu vào năm 2020. Phân tích tương tự cho thấy hoạt động đánh bắt mực ở khu vực này hiện bao gồm cả tàu câu mực và tàu giăng lưới, điều này sẽ khiến các loài khác gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, ở một số vùng, tình hình phức tạp hơn. Ở Tây Bắc Thái Bình Dương, sự sụt giảm mạnh về CPUE đã diễn ra bất chấp sự hiện diện của chính quyền khu vực. Các vùng biển khơi ở Nam Thái Bình Dương, nơi chủ yếu đánh bắt mực Humboldt, cũng được quản lý bởi SPRFMO. Trong những năm gần đây, cơ quan này hoạt động dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên – 16 quốc gia cộng với EU – đã nhận ra sự cần thiết phải đưa ra các quy tắc để kiểm soát hoạt động đánh bắt mực.

 

Ông Barry Weeber của tổ chức phi lợi nhuận Eco NZ, quan sát viên tại các cuộc họp của SPRFMO, cho biết: “Có một sự thừa nhận rằng mức độ khai thác mực là không bền vững và không thể tiếp tục. Tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 2/2023, một số đề xuất nhằm giám sát và kiểm soát nghề cá đã được đưa ra, trong số đó có yêu cầu các tàu phải chở quan sát viên nghề cá trên tàu vào năm 2028, cũng như đưa ra các giới hạn về tổng sản lượng khai thác mực ống. Tất cả đều bị từ chối. Một biện pháp – giới hạn ưu tiên đối với nỗ lực đánh bắt cá – đã được thông qua, nhưng nó được coi là không đủ nghiêm ngặt để thống trị các hạm đội”.

Các nhà bảo tồn chỉ ra sự gia tăng theo cấp số nhân trong việc đánh bắt mực không được kiểm soát là một thất bại trong quản trị đại dương. Bà Seto cho biết: “Những gì chúng tôi nghe được từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả chính phủ Trung Quốc, là mối quan tâm đối với trữ lượng mực ống. Và chúng tôi đang thấy các chính sách đang được đưa ra nêu rõ mối lo ngại đó”.

 

Năm 2020, Trung Quốc đã đưa ra một bộ luật nghề cá mới áp dụng cho đội tàu câu mực xa bờ của nước này. Trung Quốc lần đầu tiên tự nguyện đóng cửa theo mùa trên biển, bao phủ các khu vực sinh sản chính của mực vây ngắn Humboldt và Argentina – một động thái, theo lý thuyết, sẽ cho phép trữ lượng mực có thời gian sinh sản và phục hồi. Năm 2023, Trung Quốc đã mở rộng các biện pháp này, hiện bao gồm cả Tây Nam Đại Tây Dương, Đông Thái Bình Dương và Bắc Ấn Độ Dương.

Ông Arkhipkin cho biết việc đóng cửa đánh bắt mực Humboldt và mực vây ngắn Argentina “trùng với thời kỳ mực ống không có ở đó” và do đó chính sách này không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Wang Songlin, một nhà sinh thái học biển và là chủ tịch của Hiệp hội bảo tồn biển Thanh Đảo, cho biết các biện pháp này không chỉ mang lại lợi ích cho trữ lượng mực có liên quan, mà còn cho hàng trăm loài cá và động vật có vỏ và các sinh vật biển khác là sản phẩm đánh bắt thứ cấp hoặc sản phẩm phụ. Các biện pháp này cũng có thể mang lại cho môi trường sống dưới đáy biển có giá trị bảo tồn cao – một số trong đó là nơi sinh sản của mực ống – một bước đột phá rất cần thiết.

 

Ông Wang gợi ý rằng nếu các quốc gia khác thực hiện các biện pháp tự nguyện tương tự thì kết quả sẽ là “nỗ lực đa quốc gia dựa trên khoa học, mang tính xây dựng và đầy tham vọng” hơn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả nghề khai thác mực ống và các cộng đồng phụ thuộc vào nghề cá.

error: Content is protected !!