T6, 04/11/2022 09:58

Nuôi dưỡng tiềm năng của biển

(TSVN) – Thu hút đầu tư của doanh nghiệp, liên kết tạo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ mới, tiếp sức bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…; là những bước đi cần thiết để nâng tầm nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, phát triển bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha; trong đó, nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha; nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Một số đối tượng chính được đưa vào phát triển như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển…


Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng hải sản trên biển. Điển hình là Đề án phát triển nuôi thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg, ngày 4/10/2021. Đề án sẽ hướng tới việc từng bước khuyến khích ngư dân khai thác để chuyển sang nuôi biển, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ; tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP và tạo việc làm, thu nhập của cư dân ven biển.


Mặc dù rất giàu tiềm năng cho sự phát triển, nhưng theo Tổng cục Thủy sản, thực tiễn sản xuất cho thấy, nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Sử dụng cá tạp làm thức ăn, dễ gây ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn hạn chế. Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Một số hộ dân nuôi đầu tư nuôi cá bớp ở khu vực cửa biển Cửa Lở, tỉnh Quảng Nam nhiều năm nay cho hay, nghề nuôi biển nhiều khi phụ thuộc vào may rủi. Bởi con giống đặt mua ở tỉnh khác về, không có kiểm dịch, không chắc chắn về chất lượng nên vụ được, vụ mất. Hiện nước ta chỉ sản xuất được một số loại giống cá biển với quy mô nhỏ lẻ, nguồn cung chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu qua đường tiểu ngạch với chất lượng thiếu ổn định. Vì vậy, người nuôi biển trên địa bàn tỉnh không có được nguồn cung cấp giống hải sản đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi truyền thống sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ cá tươi, thông thường là cá tạp; nguồn thức ăn này không ổn định, phụ thuộc vào việc khai thác của ngư dân địa phương.

 

Khánh Hòa là một những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, vì có nhiều đầm, vịnh và 200 đảo lớn nhỏ ven bờ. Hiện, toàn tỉnh có trên 60.000 ô lồng, với hơn 2.000 hộ NTTS trên biển. Tuy nhiên, lồng nuôi của người dân chủ yếu làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió. Điều này chứng minh khi cơn bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa vào năm 2017 đã khiến toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ bị đánh tan nát, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhận định, hoạt động nuôi biển còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa bám theo quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch cho từng khu vực cụ thể; công nghệ, kỹ thuật nuôi còn thấp chưa tạo được số lượng hàng hóa tập trung. Điều kiện tự nhiên các vùng khác nhau, phức tạp, nhiều bão lũ cùng với vốn đầu tư cho nuôi lồng biển cũng cao hơn nhiều so với hoạt động nuôi bình thường trong đất liền khiến cho người dân còn e dè, chưa mạnh dạn đầu tư. Các sản phẩm của nuôi biển nói chung hiện chưa có các nhà máy thu mua chế biến chuyên sâu, chủ yếu tiêu thụ ở hình thức mặt hàng tươi sống tại chợ và các nhà hàng, một phần nhỏ được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch…

Để phát triển bền vững nghề nuôi biển, Tổng cục Thủy sản đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển NTTS trên biển. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi tập trung, vùng sản xuất giống nuôi biển tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành; tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu con giống cho đến đầu ra của sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chia sẻ, nghề nuôi biển không chỉ đơn thuần là phát triển lồng bè để nuôi hải sản trên biển mà quan trọng hơn là phải biết nuôi dưỡng tiềm năng của biển, giữ gìn môi trường biển, từ đó mới khai thác bền vững tiềm năng của biển, làm giàu bằng nghề nuôi biển. Nuôi biển công nghiệp đã trở thành xu hướng được các nước trên thế giới theo đuổi. Dẫn dắt nghề nuôi biển phải là công nghệ tiên tiến để sản xuất trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nguồn thức ăn cũng phải mang tính ổn định; thu hoạch cũng cần được công nghệ hóa…

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các nhà khoa học cần nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống hải sản cho người nuôi biển, đặc biệt là sản xuất giống đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Quảng Nam kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định liên quan đến nuôi biển để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Là đơn vị nghiên cứu, sản xuất nhiều loại giống hải sản chất lượng để phục vụ nuôi biển, đại diện Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ cho biết, doanh nghiệp rất muốn đầu tư nuôi hải sản ở các vùng biển Quảng Nam. Theo đó, mong muốn UBND tỉnh quy hoạch các vùng nuôi biển, có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ để tiếp cận, triển khai đầu tư hạ tầng. Bởi, nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo “làn sóng” mới cho nghề nuôi biển Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, dần xóa bỏ cách đầu tư manh mún. Đặc biệt, doanh nghiệp liên kết với đối tác chế biến hải sản, chế biến thức ăn công nghiệp nuôi biển, tiến tới chủ động hoàn toàn từ con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi biển.


Đại diện Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, giải pháp quan trọng là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với người nuôi. Cơ quan chuyên ngành chủ động cung cấp thông tin thị trường, dự báo xu hướng phát triển và hỗ trợ hình thành các nhóm doanh nghiệp từ cộng đồng ngư dân, tổ chức liên kết các khâu sản xuất (kỹ thuật, công nghệ, con giống, thức ăn, lồng bè, tiêu thụ, dịch vụ, thị trường…).

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!