T6, 07/10/2022 09:00

Nuôi tôm chuẩn quốc tế

(TSVN) – Phần lớn các thị trường nhập khẩu tiềm năng trên thế giới đều yêu cầu một số tiêu chuẩn nhất định nhằm đảm bảo sản xuất tôm an toàn và bền vững. Các chứng nhận quốc tế được đánh giá cao trong việc chứng minh các yêu cầu này đối với trang trại. Việc tuân thủ và đạt được các tiêu chuẩn hiện đang là xu thế tất yếu để các nhà sản xuất tôm có thể vươn mình hơn nữa ra toàn cầu.

Vừa qua thị trường tôm có nhiều biến động, giá tôm thường bấp bênh trong khi giá vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi không ngừng tăng lên, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mừng, Giám đốc HTX thủy sản Toàn Thắng, TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nếu người nuôi tham gia vào HTX và thực hành theo tiêu chuẩn ASC vẫn bán được tôm với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường và nghề nuôi mang tính bền vững hơn. Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cũng khẳng định: “Trong bối cảnh nuôi tôm ngày một khó khăn, nếu những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ không biết liên kết lại theo mô hình HTX hay THT sẽ rất khó có thể giảm chi phí, tăng lợi nhuận được”.


Theo nhiều lãnh đạo HTX, nếu tổ chức sản xuất tốt và nuôi tôm theo chuẩn quốc tế, vẫn có thể giảm được từ 10 – 20%, thậm chí là 30% chi phí sản xuất. Thực tế cho thấy, nếu các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ liên kết lại thành HTX hay THT để hình thành nên vùng nuôi quy mô lớn mang tính hàng hóa cao sẽ thu hút được doanh nghiệp chế biến hỗ trợ kinh phí tư vấn, đánh giá thực hành nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC và thu tôm với giá cao hơn thị trường từ 2.000 – 3.000 đồng/kg cho tôm đạt chứng nhận.

Từ tháng 4/2022, ASC đã thực hiện xem xét và sửa đổi, cập nhật tiêu chuẩn nuôi tôm mới. Các sửa đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Việc sửa đổi Tiêu chuẩn tôm ASC bổ sung thêm 4 chi mới của các loài nước ngọt, điều này nghĩa là 99% tôm nuôi trên toàn cầu hiện nằm trong phạm vi của tiêu chuẩn. Bốn chi mới được thêm là Cherax, Procambarus, Astacus và Macrobrachium. Ngoài ra, tiêu chuẩn đối với tôm nuôi còn thực hiện một số cập nhật khác như: Bổ sung quy định và thông số để đo lường tác động của loài nuôi nước ngọt; danh sách kiểm tra đối với thủy vực nhận nước thải; sử dụng và phân bổ nước; tiêu chí vận chuyển dành cho PL nhằm tránh xổng thoát loài nuôi; gửi dữ liệu giám sát chất lượng nước; tỷ lệ sống sót trong trường hợp được cho ăn và sục khí thường xuyên > 65% (trước là 60%); cập nhật tỷ lệ phụ thuộc của loài nuôi thương mại vào thức ăn cho cá (FFDR): tôm sú 1.8:1 (trước là 1.9:1), TTCT 1.3:1 (trước là 1.35:1); hiệu quả tích lũy protein đối với TTCT > 30% (tăng từ 20% lên 30%).

 

Tính đến 1/9/2022, Việt Nam dẫn đầu các nước châu Á trong số lượng các trang trại nuôi tôm đạt chứng nhận ASC là 205 trang trại, sau đó là Ấn Độ (86 trang trại), Thái Lan (17 trang trại), Indonesia (6 trang trại), Trung Quốc (5 trang trại), Bangladesh (3 trang trại).

Tuy nhiên, với diện tích nuôi tôm lớn như Việt Nam thì số lượng đạt chuẩn ASC, BAP… như trên vẫn thấp. Với thị trường EU, nhờ Hiệp định EVFTA, cùng trình độ chế biến đạt chuẩn cao của thế giới đã giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt rất lớn ở thị trường này, cả về giá cả lẫn số lượng tiêu thụ, nhưng để chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp có giá bán và lợi nhuận cao về lâu dài vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Ở phân khúc thị trường cao cấp, chỉ có con tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC mới thâm nhập một cách thuận lợi, mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, số diện tích nuôi tôm ở ÐBSCL và cả nước đạt tiêu chuẩn này hiện còn rất thấp, do phần lớn hộ nuôi nhỏ lẻ, khó theo đuổi tiêu chuẩn nuôi ASC vì chi phí đánh giá cao, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của người nuôi”.

Còn theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, muốn bán được tôm vào thị trường nào, chúng ta phải chấp nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn của thị trường đó, chứ không hề có một tiêu chuẩn chung cho tất cả các thị trường, kể cả GlobalG.A.P. “Hiện nay, cả 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam là Mỹ, Nhật và EU đều không quan tâm đến chứng nhận VietGAP và Global GAP, mà chỉ có đạt chứng nhận ASC, BAP hoặc con tôm sạch không nhiễm kháng sinh, vi sinh hay các chất cấm khác và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng thì họ mới chấp nhận mua. Vì vậy, người nuôi tôm hay tổ chức hợp tác nuôi tôm cần liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ sản xuất đạt tiêu chuẩn của thị trường”, ông nói.

 

Những quy định sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường chắc chắn sẽ gây khó khăn nhất định cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới, nhưng ít nhiều cũng giúp ngành tôm có những thay đổi lớn để phù hợp với thị trường xuất khẩu.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!