T6, 19/11/2021 08:15

Phát triển thủy sản: Bài toán nhân lực

NTTS của Việt Nam đang phát triển theo xu hướng thâm canh hóa ngày một cao. Diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh tăng nhanh, mô hình nuôi công nghệ cao áp dụng công nghệ 4.0 cũng đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất lớn. […]

NTTS của Việt Nam đang phát triển theo xu hướng thâm canh hóa ngày một cao. Diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh tăng nhanh, mô hình nuôi công nghệ cao áp dụng công nghệ 4.0 cũng đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất lớn. Có rất nhiều doanh nghiệp trực tiếp đến Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ để tuyển sinh viên tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp, nhưng cũng không đủ số lượng cho nhu cầu.

Khoa Thủy sản của Trường ĐH Cần Thơ là đơn vị đào tạo ngành thủy sản có số lượng sinh viên nhiều nhất, so với các trường đại học trong cả nước, nhưng mỗi năm chỉ cung cấp cho thị trường lao động khoảng 200 kỹ sư ngành NTTS, khoảng 50 kỹ sư bệnh học thủy sản, 50 kỹ sư quản lý thủy sản và 100 kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản. Đáng chú ý, hiện nay ngành thủy sản không hấp dẫn người học, bởi vì sau khi ra trường họ chủ yếu phải làm việc ở ngoài hiện trường (ao, hồ, đồng ruộng…) khá vất vả nhưng thu nhập không cao hơn so với người làm việc ở văn phòng.

Bên cạnh đó, Nhà nước thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực thủy sản. Nguồn kinh phí cho đào tạo sinh viên ngành thủy sản chủ yếu từ học phí (thu theo mức do Nhà nước quy định), trong khi chi phí đào tạo (thực hành, thực tập…) cho ngành này là khá cao, thu không đủ bù chi. Vì vậy, các trường đại học không phải không muốn tăng quy mô đào tạo nhóm ngành thủy sản; nhưng do kinh phí eo hẹp, chỉ duy trì ở mức mà nhà trường có thể bù lỗ được.

Tuy nhiên, so với một số nước mạnh trên thế giới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản, thì nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo không thua kém, bởi Việt Nam là nước có ngành thủy sản phát triển mạnh (top 10 của thế giới). Nguồn nhân lực do Việt Nam đào tạo mạnh về kỹ thuật – công nghệ, nhưng yếu về năng lực nghiên cứu khoa học và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. So với Đông Nam Á, thì nguồn nhân lực trình độ cao về thủy sản của chúng ta có phần vượt trội về mặt chuyên môn. Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sinh viên được đào tạo tại Khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau khi ra trường, họ cũng là những cán bộ chủ chốt của nhiều doanh nghiệp.

Nhận định trên là có cơ sở, nhưng thực tế là sinh viên mới ra trường chưa thể bắt tay ngay vào công việc thực tế, mà họ cần phải được đào tạo thêm. Bởi, kiến thức và kỹ năng mà sinh viên thủy sản học trong trường tương đối rộng gồm: Môi trường nuôi; Dinh dưỡng; Sản xuất giống; Kỹ thuật nuôi; Quản lý dịch bệnh… cho cả nghìn đối tượng NTTS (tôm, cua, cá, ghẹ. mực, ốc…). Do đó, đa số sinh viên mới tốt nghiệp chưa được rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu để hành nghề.

Hơn nữa, vị trí việc làm của sinh viên thủy sản mới ra trường rất đa dạng, sinh viên không thể định hướng trước được. Trong trường, sinh viên có thể học chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, nhưng khi ra trường, họ chưa chắc tìm được vị trí việc làm đúng lĩnh vực đã học. Ngoài ra, kinh phí đào tạo hạn chế, dẫn đến thời gian thực hành bị giới hạn, mẫu vật, vật tư phục vụ cho thực hành cũng thiếu đa dạng, nên mức độ thành thạo về các kỹ năng hành nghề cũng bị ảnh hưởng.

Còn chưa đúng là ở chỗ: Khi sinh viên mới ra trường tiếp cận thực tế, họ sẽ được rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu, đúng với vị trí việc làm của họ (thời gian học việc). Sau thời gian 6 – 12 tháng, họ có thể nắm bắt hoàn toàn công việc, lúc này họ sẽ thực hiện thành thạo công việc được giao.

Để khắc phục điều này, cần có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhà sử dụng lao động, qua đó tăng thời gian thực hành của sinh viên. Sinh viên có thể sử dụng cơ sở vật chất của các doanh nghiệp trong quá trình thực tập, giúp họ nâng cao các kỹ năng thực hành, trong điều kiện nguồn kinh phí của cơ sở đào tạo có giới hạn. Cùng đó, các doanh nghiệp nên tuyển dụng sinh viên trước khi ra trường (năm thứ tư), để cơ sở đào tạo tăng cường rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu đúng với vị trí việc làm. Ví dụ, vị trí việc làm được tuyển dụng là nhân viên kỹ thuật – sản xuất giống tôm, thì cơ sở đào tạo sẽ tập trung đào tạo cho sinh viên về kỹ thuật trại giống tôm. Như vậy, sau khi ra trường, sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc, mà không cần phải đào tạo lại. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng thêm chi phí đào tạo, để cơ sở đào tạo có thể thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tăng thời gian thực hành, thực tập cho sinh viên. Đây cũng là đòi hỏi khá “nóng”.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có thể làm việc trong môi trường quốc tế, môi trường chuyên nghiệp là vấn đề cấp bách. Nhận thức được vấn đề này, Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ đã những bước đi khá sớm so với các trường đại học khác trong cả nước.

Năm 2008, Khoa đã mở Chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học ngành NTTS đào tạo bằng tiếng Anh – liên kết với Trường ĐH Auburn (Mỹ). Năm 2014, Khoa tiếp tục liên kết với các trường đại học của Vương Quốc Bỉ mở CTĐT bậc Cao học NTTS (bằng tiếng Anh). Năm 2019, Khoa tiếp tục mở CTĐT NTTS trình độ Tiến sĩ (bằng tiếng Anh). Các CTĐT hướng đến nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch và công nghệ cao vào quá trình sản xuất thủy sản ở Việt Nam.

Trong quá trình đào tạo, Khoa chúng tôi tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên với các đối tác nước ngoài. Cụ thể, mời giảng viên từ các trường đại học nổi tiếng thế giới sang giảng dạy, gửi sinh viên đến học tập ở các cơ sở của đối tác nước ngoài, nhằm rèn luyện môi trường làm việc quốc tế cho sinh viên.

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc thực hiện hội nhập quốc tế còn gặp rất nhiều khó khăn như: Việc thu hút sinh viên quốc tế, chi phí mời giảng viên nước ngoài và chi phí gửi sinh viên đi học tập ngắn hạn ở nước ngoài… Nếu được đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước tốt hơn, chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức sánh ngang tầm với các trường đại học uy tín trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!