T6, 28/10/2022 09:00

Sản xuất thức ăn tôm: Tìm cân bằng, giải thách thức

(TSVN) – Gần đây, người nuôi tôm đã phải đương đầu với đại dịch COVID-19 và vô số thách thức liên quan cùng những bất ổn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là chi phí thức ăn tăng cao cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi và các rủi ro dịch bệnh khác. Là một thành phần trong chuỗi giá trị, các nhà sản xuất thức ăn đóng vai trò lớn trong việc tìm lại trạng thái cân bằng, hỗ trợ người nuôi tôm giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận.

Tại Hội nghị Bàn tròn NTTS châu Á (TARS 2022) diễn ra ngày 6 – 7/10 vừa qua với chủ đề “Trạng thái cân bằng mới”, khi nhắc đến thực trạng ngành sản xuất thức ăn thủy sản tại châu Á, ông Piet Verstraete – Giám đốc điều hành Công ty tư vấn 4SEA Thái Lan cho biết, giá các loại nguyên liệu để làm thức ăn thủy sản đã tăng chóng mặt. Tính đến tháng 10/2022, giá bột cá đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước; còn giá dầu cá tăng 116% trong giai đoạn 5/2021 – 7/2022. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất thức ăn cho tôm, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và tính thanh khoản của các doanh nghiệp. Ngoài ra, sản lượng tôm nuôi tại châu Á cũng đang có xu hướng giảm khi được dự đoán chỉ đóng góp 55% sản lượng tôm toàn cầu năm 2030, từ mức 65% năm 2019. Một trong số các nguyên nhân được đưa ra là chi phí sản xuất tăng cao.

 

Ông cũng đưa ra một số hướng giải quyết cho các nhà máy sản xuất thức ăn. Về phía thu mua, cần đa dạng hóa nhà cung cấp và xuất xứ; sử dụng các chương trình phần mềm tích hợp để lập kế hoạch và mua hàng tốt hơn; tạo mạng lưới tiếp cận với các nhà môi giới và phân phối. Về công thức và dinh dưỡng, cần tích hợp rủi ro trong thiết kế thức ăn (giá cả, tính sẵn có, chất lượng…); sử dụng các phần mềm công thức tích hợp. Về nguyên liệu, không chỉ tập trung vào bột cá mà cần phải tìm hiểu và sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế khác, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu bền vững như tảo hay bột côn trùng.

Đối với những thách thức dịch bệnh trên tôm, theo ông Oliver Decamp – Giám đốc Kỹ thuật, Marketing và Sản phẩm của Grobest, vai trò của các nhà sản xuất thức ăn bao gồm: Nhận dạng, hiểu và ưu tiên các thách thức; phát triển và cải thiện các giao thức quản lý thức ăn và chế độ ăn hiệu quả về chi phí; phân tích dữ liệu hiệu suất của trang trại và thức ăn chăn nuôi, đồng thời chia sẻ với người nuôi; hỗ trợ nông dân trong quyết định nhằm cải thiện lợi nhuận như tiếp cận con giống, khuyến nghị về cơ sở hạ tầng, tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận nguồn vốn.


“Về phía Grobest, Công ty chúng tôi đã tạo một đội nhóm đổi mới để xác nhận 2 nguồn nguyên liệu protein bền vững mới là bột côn trùng và protein đơn bào. Bột côn trùng được cho là an toàn, không có nguy cơ lây truyền bệnh; được các chuyên gia công nhận là giải pháp trong cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới và có thể thay thế các thành phần thức ăn tiêu chuẩn trong khẩu phần ăn động vật. Còn protein đơn bào được sản xuất bằng quy trình lên men vi khuẩn có kiểm soát; quá trình lên men khí chuyển đổi các hợp chất carbon thành protein chất lượng cao. Đây cũng là quy trình hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững để sản xuất các protein thay thế chất lượng cao”, ông Oliver chia sẻ.

Cũng tại buổi Hội nghị, ông Thomas Wilson, Tư vấn viên NTTS Công ty sản phẩm dinh dưỡng châu Á – Thái Bình Dương DSM, cho biết 2 yếu tố chính tác động đến khả năng giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận của nông dân là tỷ lệ sống khi thu hoạch và chi phí đầu tư vào thức ăn được phản ánh trong FCR. Do đó việc tìm cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng thức ăn là điều quan trọng đối với mọi người sử dụng thức ăn thủy sản ngày nay.


Theo ông, dinh dưỡng chính xác bao gồm các quy trình sản xuất cập nhật cũng như các khái niệm hàng đầu về dinh dưỡng được áp dụng cho công thức thức ăn chăn nuôi. Công nghệ ép đùn thức ăn đã phát triển nhanh chóng, với sự linh hoạt trong việc chế tạo tất cả các loại và quy cách thức ăn phù hợp cho mỗi loài. “Liên quan đến dinh dưỡng, chúng ta cần phải nắm bắt tốt các chất dinh dưỡng cần thiết cho một loài nhất định và cần biết các yêu cầu định lượng đối với axit amin, axit béo, vitamin và khoáng chất trước khi chúng ta có thể bắt đầu nói về dinh dưỡng chính xác. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về việc sử dụng các axit amin, lipid và carbohydrate trong quá trình trao đổi chất của tôm, cá làm hạn chế khả năng cải thiện dinh dưỡng chính xác của chúng ta”, ông Thomas nói.


Ngoài ra, các nhà sản xuất thức ăn cần phải xây dựng các công thức dựa trên các chất dinh dưỡng có thể tiêu hóa được, và cũng phải hiểu cách bù đắp những tác động của quá trình chế biến và môi trường đối với khả năng tiêu hóa. Tầm quan trọng của tình trạng sức khỏe đối với năng suất vật nuôi và việc sử dụng thức ăn là không thể bỏ qua. Hiểu các công nghệ nghiên cứu như dinh dưỡng học và biểu sinh học có thể cho biết chất dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sự biểu hiện gen và cách thúc đẩy sự biểu hiện gen thông qua lập trình dinh dưỡng và mồi hệ thống miễn dịch. Do đó, đầu tư hơn nữa cho R&D để lấp đầy những khoảng trống lớn về nhu cầu dinh dưỡng là điều mà ngành NTTS và những người ủng hộ cần cam kết thực hiện để đảm bảo một tương lai bền vững.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!