Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, sản lượng điện truyền tải năm 2023 đạt 222,5 tỷ kWh, tăng 5,2% so với năm 2022. Tỉ lệ tổn thất điện năng năm 2023 giảm 0,14% so với năm 2022.

 

Về cơ cấu nguồn điện, đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng ~2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%, nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%.

Vấn đề thiếu điện luôn được báo động nhiều năm nay. Câu chuyện nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc bị cắt điện mùa hè năm 2023 vẫn còn hiện hữu và là bài học sâu sắc đối với ngành điện. Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều lần nhắc đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn năm 2026-2030 nếu loạt dự án nguồn điện lớn không kịp tiến độ đề ra của Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương nhận định, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành điện với phương án phát triển điện lực tại các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ các dự án, không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII. Việc này gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Từ thực tế trên cho thấy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Đây còn là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

 

Nhằm tiếp nối những thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). 

 

Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/02/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn. Đồng thời, phối hợp với 63 tỉnh, thành phố để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Thường xuyên kiểm tra tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

 

Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về tiết kiệm điện, nước ta là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ngành điện quốc gia, thủy sản là ngành kinh tế có mức tiêu thụ năng lượng ở mức cao. Trong khi đó, sử dụng năng lượng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm nên tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành thủy sản là rất lớn. 

Năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 52/2018/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn, tôm. 

Cụ thể, quy định này áp dụng với cơ sở chế biến cá da trơn, tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đến hết năm 2025, định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050 kWh/tấn sản phẩm cá và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn và 1.625 kWh/tấn tôm tương đương. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/2/2019.

Mặc dù vậy, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức tiêu hao năng lượng của ngành thủy sản vẫn ở mức cao và tăng trưởng nhanh. Cụ thể, trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, quy hoạch nuôi tôm, cá chưa hoàn thiện, chưa đi vào chiều sâu, chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như hạ tầng cung cấp điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường.

Hiện tại, vẫn còn không ít hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp khí ôxy cho vật nuôi; sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có mức tiêu thụ điện năng cao. Điều này dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện.

 

Bên cạnh đó, do đặc thù lưới điện khu vực nông thôn trước đây là lưới điện 1 pha, tiết diện dây dẫn nhỏ, chỉ có khả năng cấp điện cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt, chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện 3 pha để sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Việc sử dụng điện sinh hoạt kết hợp nuôi trồng thủy sản với công suất lớn gây mất cân bằng phụ tải làm gia tăng tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến điều kiện vận hành lưới điện.

 

Trong hoạt động chế biến thủy sản, lượng điện tiêu thụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu của các loại sản phẩm đang được sản xuất và hệ thống quản lý của mỗi nhà máy. 

 

Mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động trong nhà máy chế biến thủy sản dao động từ 57 – 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 – 4.412 kWh/tấn sản phẩm. Trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống làm lạnh và cấp đông là lớn nhất (chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ của doanh nghiệp).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính, mức tiêu thụ của hoạt động chế biến thủy sản chiếm hơn 1% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Do đó, trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành thủy sản, chi phí cho năng lượng đứng thứ 3 sau nguyên liệu và nhân công.

 

Thậm chí, để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản sẵn sàng sử dụng những dây chuyền, máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu. Điều này khiến cho tổng mức điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp tăng cao, kéo theo hàng loạt những hệ lụy tiêu cực cho bản thân doanh nghiệp và cho cả hệ thống truyền tải điện quốc gia.

 

Có thể thấy, mặc dù tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành thủy sản là rất lớn, song trên thực tế ngành này đang phải đối mặt với không ít vấn đề nan giải khiến hoạt động sử dụng năng lượng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả gặp nhiều khó khăn, thách thức.

error: Content is protected !!