Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong giai đoạn 2015-2017, điện năng cung cấp cho nuôi trồng thủy sản tăng rất cao. Công suất phụ tải tăng bình quân 9,55%, từ 7.780 MW (năm 2015) lên 9.529 MW (năm 2017) với tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm 10,8%. Năng lượng để phục vụ khâu bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác chiếm tới 10 – 20% chi phí đầu tư. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là giải pháp hàng đầu trong nuôi trồng thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, bảo vệ môi trường. Giải pháp này góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.

 

Thực tế, giá thành sản xuất năng lượng điện tái tạo không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống và chi phí đầu tư luôn giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cho các đơn vị nuôi trồng thủy sản vì chi phí điện luôn là một trong những phần chi phí sản xuất lớn.

Trên thế giới, có rất nhiều công nghệ năng lượng tái tạo đã xâm nhập vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như máy bơm nước chạy bằng năng lượng gió, hệ thống quản lý nhiệt độ và oxy hòa tan trong ao nuôi sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời…

 

Một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Canada đã ứng dụng thành công nhiều dự án về năng lượng tái tạo cho ngành thủy sản. Cụ thể, Trung Quốc áp dụng hệ thống lắp trên mặt nước, Thái Lan thì ứng dụng các hệ thống phao nổi để nuôi trồng, Canada ứng dụng mô hình năng lượng tái tạo trên mặt đất (cạnh chỗ nuôi trồng). Nhìn chung, kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới cho thấy, khi áp dụng sẽ giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho các hộ dân; phát triển kinh tế nông thôn, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường.

 

Hàn Quốc cũng là nước phát triển thành công nhiều mô hình, dự án về năng lượng tái tạo. Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc (KNREA) bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo; phát triển năng lượng tái tạo trên biển, ao hồ cho nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ tư vấn cho các công ty của Việt Nam thực hiện dự án liên quan đến năng lượng tái tạo.

 

Tại Việt Nam, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, tại Bạc Liêu, mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với nuôi tôm không chỉ góp phần giảm chi phí và phát thải CO2, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70 ha. Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đã mang lại những lợi ích như: Chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện; giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030.

 

Được biết, những hộ nuôi tôm lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể giảm chỉ số năng lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia từ 40-50% điện năng tiêu thụ hàng tháng. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí để được chứng nhận ASC, BAP (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao đối với những sản phẩm có sự quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

 

Mặc dù bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt, nhưng sự phát triển của những mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng tái tạo đang gặp nhiều vướng mắc, chưa thể phát huy được hết tiềm năng. Đơn cử hiện nay Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt năng lượng mặt trời; khả năng truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại cũng không đủ truyền tải dẫn đến việc hệ thống điện mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư chưa phát huy được hết công suất, hiệu quả. 

 

Ngoài ra, một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu dẫn đến việc giai đoạn đầu chỉ tập trung thi công phần năng lượng điện mặt trời. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả. Vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn cũng là một yếu tố gây khó cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ, trong khi thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận.

 

Trong thời gian tới, để tăng cường việc ứng dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, có quy hoạch và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư; tăng cường chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ứng dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản.

Để ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản pháp luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất.

 

Chính vì vậy, ngành thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nhất là nuôi trồng thủy sản đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, tạo nên vòng nuôi tuần hoàn khép kín, góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

Đơn cử như trong nuôi tôm, trước đây nhiều hộ dân sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp điện. Trước thực trạng đó, Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) đã ưu tiên đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn, nhằm chống quá tải, kết hợp cung cấp điện tại một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm. Đồng thời, đơn vị này cũng triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả, an toàn trong sản xuất.

Từ năm 2016, EVNSPC đã triển khai thí điểm 2 mô hình tiết kiệm điện tại 161 hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng, bao gồm: Thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, vận động hộ nuôi tôm chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ôxy nuôi tôm để tiết kiệm điện, giúp điện năng tiết kiệm được 15,2% (tương đương 951 triệu đồng/năm); Đồng trục hóa môtơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay, thay thế gối đỡ chữ U giúp điện năng tiết kiệm được 38,7% (tương đương gần 2,5 tỷ đồng).

 

Không dừng lại ở đối tượng tôm nuôi, nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác cũng được nhiều hộ dân thay đổi từ mô hình nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, lạc hậu, sang mô hình nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại. Với việc quản lý ao nuôi tốt hơn thông qua các thiết bị công nghệ quan trắc môi trường ao nuôi, công nghệ quản lý thức ăn, phương pháp kiểm soát dịch bệnh, phân tích dữ liệu nước và cảnh báo…đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời giảm phát thải carbon.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao là rất lớn.

 

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản.

Hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cá tra không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, có 2 nguồn phát thải chính, gồm: Lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải. 

 

Để giảm thiểu tối đa lượng phát thải carbon (sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả), hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, nhiều địa phương đã triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng xanh, bền vững. Trong đó, không ít mô hình đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi cả về mặt kinh tế và sinh thái, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm sinh thái.

 

Mô hình nuôi tôm sinh thái ở Việt Nam được biết đến chủ yếu là hai loại: nuôi tôm – rừng và nuôi tôm – lúa, tập trung chính tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Nuôi tôm – rừng: Mô hình này xuất hiện từ lâu đời tại các vùng rừng ngập mặn ven biển. Nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn được triển khai theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến chỉ sử dụng nguồn nước tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn cho tôm dưới tán rừng, tôm thả với mật độ thưa, không chứa kháng sinh. Sự kết hợp giữa tôm và rừng vừa tận dụng được điều kiện nuôi thuận lợi, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này tuy không có sự đột phá về năng suất nhưng ổn định và rất ít rủi ro trong quá trình nuôi. Có thể nói, mô hình trồng rừng, nuôi tôm đã thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. 

 

Một số hộ nông dân có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện mô hình này cho biết, trồng rừng nuôi tôm sẽ tạo được bóng mát, phát triển và khôi phục lại việc cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng; nhờ nguồn nước sạch, con tôm sẽ phát triển tốt, có thức ăn tự nhiên bổ sung, tạo bóng râm để tôm trú ngụ… Nhờ môi trường tốt, người nuôi tôm kết hợp với trồng rừng ít gặp rủi ro, giảm được chi phí đầu tư thức ăn cho tôm, mà còn có thêm nguồn thu từ tôm cá tự nhiên.

Nuôi tôm – lúa nhằm tạo ra nông sản an toàn, giảm ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu đã và đang được nông dân các tỉnh ven biển miền Tây, như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… áp dụng rộng rãi. Mô hình lúa – tôm được đánh giá là mô hình canh tác thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường. Sản phẩm tôm sạch, gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng và giúp nông dân phát triển kinh tế.

 

Hoạt động nuôi tôm giúp cây lúa có nguồn phân hữu cơ tự nhiên. Do ý thức bảo vệ môi trường nuôi tôm và con tôm rất nhạy cảm với hóa chất, nên nông dân chỉ sử dụng phân hữu cơ và vi sinh trong suốt quá trình canh tác. Vì thế, hạt gạo làm ra thơm đậm vị và rất an toàn sức khỏe. Đặc biệt, thủy sản được nuôi trong mô hình sinh thái có giá thành cao hơn, chinh phục được nhiều thị trường khó tính, mang lại lợi nhuận tốt cho người nuôi.

error: Content is protected !!