T6, 26/11/2021 09:04

Thị trường cá tra: Kỳ vọng giá tăng

(TSVN) – Nhu cầu cá tra đang quay trở lại mức trước đại dịch tại các thị trường chính; trong đó, tăng trưởng mạnh tại Mỹ và cũng đang phục hồi tích cực tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường cá tra tại EU vẫn bất ổn; nhưng đây lại là động lực để những […]

(TSVN) – Nhu cầu cá tra đang quay trở lại mức trước đại dịch tại các thị trường chính; trong đó, tăng trưởng mạnh tại Mỹ và cũng đang phục hồi tích cực tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường cá tra tại EU vẫn bất ổn; nhưng đây lại là động lực để những nhà cung cấp cá tra mở rộng và tìm kiếm thị trường thay thế.

Những bất ổn trong năm 2020 do COVID-19 vẫn để lại tác động kéo dài lên thị trường cá tra cho đến nay. Mất doanh thu từ kênh tiêu thụ chính gồm các nhà hàng tại những thị trường trọng điểm dẫn đến giá cá tra giảm mạnh, khiến nhiều hãng sản xuất phải ngừng kinh doanh hoặc giảm thả nuôi. Tại vùng ĐBSCL của Việt Nam, vựa nuôi cá tra của thế giới, diện tích thả nuôi theo thống kê đã giảm 9% vào năm ngoái.

Mặc dù vậy, sản lượng cá tra suốt 5 tháng đầu năm 2021 đạt 523.900 tấn, tăng 13% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn cần phải quan sát biến động thị trường cá tra toàn cầu nếu sản lượng đầu ra có thể được duy trì, hoặc nguồn cung bị thắt chặt hơn vào cuối năm. Giá bán cá tra vẫn thấp, nên cần phải theo dõi diễn biến và kết quả vụ thả nuôi vào các tháng mùa hè năm nay mới có thể đưa ra các đánh giá chính xác hơn về tình hình thị trường cá tra.

Trong khi đó, giá bột cá tăng dần đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của người nuôi cá và buộc họ phải thay đổi các phương thức cho ăn, mặc dù nhu cầu bột cá của cá tra tương đối thấp so với nhiều loài cá nuôi khác. Tính đến tháng 7/2021, làn sóng COVID-19 mới nhất tại Việt Nam đang tác động lên ngành công nghiệp cá tra, khiến các hãng sản xuất phải ngừng hoạt động, hoặc giảm công suất chế biến.

Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu về sản xuất cá tra và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Nhập khẩu cá tra của Trung Quốc từ Việt Nam vẫn tăng mặc dù các biện pháp kiểm soát và phòng tránh dịch COVID-19 tại đường biên giới được thắt chặt hơn. Sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, trị giá xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trở lại vào tháng 3 và tháng 4/2021, lần lượt đạt tỷ lệ 28% và 17% so cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng hiện đang thấp hơn các năm trước, nhưng do nhập khẩu có xu hướng đạt đỉnh vào nửa cuối năm nên tình hình chung vẫn chưa rõ. Tại thị trường Trung Quốc, nhiều loại cá nước ngọt nội địa tăng giá mạnh, nên cá tra nhập khẩu có thể trở thành sự lựa chọn thay thế. Nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản tại thị trường Mỹ đang tăng trở lại đã giúp hồi sinh kênh dịch vụ ẩm thực. Thực tế, thị trường Mỹ cũng phục hồi mạnh mẽ hơn các thị trường quan trọng khác. Nhập khẩu cá da trơn của Mỹ trong quý đầu năm 2021 gần gấp đôi khối lượng quý II/2020 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Cá tra Việt Nam chiếm gần 90% lượng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ và việc hạ thấp thuế cho cá tra Việt Nam vào năm ngoái đã giúp phần lớn các hãng xuất khẩu hưởng mức thuế 0% hoặc thuế giảm mạnh từ 1,37 USD/kg xuống 0,15 USD/kg.

Xuất khẩu cá tra tới châu Âu và Trung Quốc đã giảm 13% về giá trị trong giai đoạn 2019 – 2020. Một tỷ lệ lớn lượng cá bị mất cơ hội vào EU và Trung Quốc đang tìm đường đến Mỹ Latinh và Nga. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm ngoái, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới châu Âu vẫn thấp hơn năm 2020, bất chấp hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam và sự phát triển một cách bất ngờ của nhiều sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ, tôm và giáp xác khác của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng 20% trong 4 tháng đầu năm 2021 so cùng kỳ 2020, trong khi xuất khẩu cá tra trong giai đoạn này lại giảm 26%. Thị trường cá tra ảm đạm tại châu Âu phần lớn do nhu cầu từ kênh dịch vụ ẩm thực giảm mạnh và chi phí vận tải quá cao. Đợt cắt giảm thuế quan tiếp theo trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, theo đó thuế đối với cá tra fillet đông lạnh sẽ giảm từ 6,5% xuống 4,5%.


Cá tra đang dần dần được mở rộng sang các thị trường mới trong nhiều năm và nhu cầu biến động ở các thị trường chính là chất xúc tác để cá tra tiến sâu hơn nữa vào các thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ cá tra từ thị trường Trung Quốc tăng trở lại, chiếm phần lớn lượng nhập khẩu tính theo khối lượng đã phần nào cản trở sự tăng trưởng của các dòng thương mại này. Tuy nhiên, cá tra sẽ tiếp tục là mặt hàng phổ biến với giá bán phải chăng và dễ chế biến. Các thị trường ngày càng quan trọng của cá tra gồm Mexico, Colombia, Brazil và Nga, trong quý đầu năm 2021 đã ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 26%, 37%, 17%, và 126%.

Giá cá tra nguyên liệu tại ao nuôi ở Việt Nam vẫn thấp, chỉ khoảng 22.000 VND/kg (0,96 USD) từ đầu tháng 5/2021 nhưng vẫn cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 16.000 VND/kg (0,70 USD/kg). Giá xuất khẩu fillet cá tra đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên 2,87 USD/kg trong quý đầu năm 2021, cao hơn rất nhiều so với mức giá nửa cuối năm ngoái. Trong khi, giá cá tra tại Trung Quốc và Brazil vẫn đang tăng, đặc biệt với cá tra fillet cỡ lớn đang hạn chế nguồn hàng dự trữ.

Theo nhận định của các chuyên gia thị trường Globefish, nhu cầu tiêu thụ cá tra tiếp tục tăng mạnh tại các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa được hưởng mức giá bán tốt và sẽ vẫn tiếp tục đối mặt tỷ suất lợi nhuận thấp trong ngắn hạn, do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào và có thể giảm dần trong nửa cuối năm nay. Tới nay, vẫn chưa thể chắc chắn tình hình thả nuôi cá trong năm 2021 có cải thiện tích cực nguồn cá tra dự trữ cho năm tới hay không, nhưng có thể nguồn cung sẽ bị thắt chặn hơn vào năm 2022.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!