Trước bức tranh ảm đạm của ngành tôm toàn cầu 6 tháng đầu năm 2023, không bất ngờ khi Rabobank đưa ra dự báo 2023 sẽ là một năm khó quên và đầy thử thách với ngành tôm.

 

Nếu như nửa đầu 2023 được đánh dấu với nhu cầu tiêu dùng thấp đi ở Mỹ và châu Âu, thì bắt đầu bước vào 6 tháng cuối năm, Trung Quốc đã có trải nghiệm tương tự. Mặc dù nhập khẩu tôm tăng vọt từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng đáng ngại là tiêu dùng tôm thực tế ở Trung Quốc không cao như kỳ vọng và tính toán của nhập khẩu, dẫn tới tình trạng tồn kho hàng đông lạnh đang ngày một chất cao như núi.

 

Sự tấn công của El Nino trong năm nay cũng đã và đang tác động mạnh mẽ tới nguồn cung bột cá, khiến giá bột cá ngày càng tăng cao trong khi hàng dự trữ giảm dần. Không may, điều này có nghĩa giá thức ăn tôm sẽ không thể hạ như dự đoán vì giá bột ngô – thành phần thay thế bột cá để sản xuất thức ăn thủy sản – cũng đã được hiệu chỉnh tăng. Các chuyên gia giờ đây đã rung hồi chuông báo động về hậu quả khủng khiếp của El Nino có thể dẫn tới nguy cơ ngập lụt, nguy hiểm sinh học và mưa lớn sẽ tác động mạnh tới chất lượng nguồn nước.

 

Hội nghị Thượng đỉnh ngành Tôm 2023 diễn ra ngày 24-26/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại trong nhiều trăn trở nhưng cũng đã mở ra nhiều lối đi cho sự phục hồi và dòng chảy thương mại nửa cuối năm. Tại đây, các chuyên gia đã cùng nhau lật lại những vấn đề mà ngành sản xuất và xuất khẩu tôm đang phải đối mặt, từ đó phân tích để tìm ra các giải pháp khắc phục, những hướng đi mới để thích ứng với thực tại và tương lai.

Trong 6 tháng đầu năm, Ecuador xuất khẩu 606.048 tấn tôm, tăng 19% so cùng kỳ 2022. Tốc độ tăng trưởng 13% trong tháng 4, tháng 5 và 15% trong tháng 6 cho thấy các hãng xuất khẩu tôm của Ecuador không thể duy trì xu hướng tăng trưởng như nửa đầu năm 2022, nhưng mức tăng này vẫn là một kỳ tích trong bối cảnh lạm phát và suy thoái toàn cầu. Giá trị xuất khẩu tôm đầu năm đạt 3,3 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng giá tôm trung bình giảm khoảng 1 USD/kg.

 

Trong Q1/2023, Ecuador ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đến Q2, tốc độ tăng trưởng sang châu Âu và Mỹ mạnh hơn trong khi Trung Quốc chững lại. Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 40% so cùng kỳ lên 375.591 tấn. Thị trường này hấp thụ 62% tôm Ecuador, tăng từ 53% vào năm 2022.

Xuất khẩu sang các thị trường châu Á khác, tuy nhiên, lại giảm 32% còn 22.327 tấn. Nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu sang Việt Nam, Hàn Quốc giảm mạnh 52% và 48%.

 

Nhập khẩu của châu Âu từ Ecuador tương đối yếu trong quý đầu năm, nhưng tăng đáng kể vào cuối Q2 với khối lượng 98.130 tấn. Xuất khẩu sang Pháp, Ý, Tây Ban Nha giảm lần lượt 18%, 1% và 12%. Ngược lại, Bỉ và Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu tôm Ecuador 93% và 52% so cùng kỳ năm ngoái.

 

Tôm Ecuador cũng bắt đầu tràn vào Bắc Âu, dù thị phần nhỏ hơn Nam Âu. Điều này cho thấy châu Âu đang dần chuyển đổi nguồn cung từ châu Á sang Mỹ Latinh. Nga cũng tăng nhập khẩu tôm Ecuador 83% so cùng kỳ năm ngoái và trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 4 của Ecuador tại châu Âu.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 258.000 tấn tôm, tương đương năm ngoái. Xuất khẩu tôm Q1/2023 đạt 148.267 tấn, tăng 12% so cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, sang Q2, xuất khẩu tôm Ấn Độ bắt đầu lao dốc 14% trong tháng 4 và 8% vào tháng 5. Trong khi đó, sản lượng tôm của cả nước giảm 20-30%. Như vậy trong nửa đầu năm, Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu tôm dự trữ từ năm ngoái.

 

Tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm đạt 18 tỷ USD, giảm 13% so cùng kỳ. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong tháng 4 và 5, lần lượt 23% và 22% so năm ngoái. Từ đầu năm, giá xuất khẩu trung bình tôm thẻ chỉ xấp xỉ 1,5 USD/kg và sang tháng 4, 5 chỉ còn 1 USD/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất không ngừng tăng, khiến nhiều hãng nuôi tôm quy mô lớn cũng lỗ nặng.

 

Đến nay, tôm thẻ chân trắng vẫn là sản phẩm chủ lực với kim ngạch xuất khẩu giảm ít hơn so với tôm chế biến sâu. Xuất khẩu tôm thẻ nguyên liệu bắt đầu giảm từ tháng 4/2023 nhưng tổng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng 4%. Ấn Độ cũng gặp khó tại thị trường Mỹ với khối lượng xuất khẩu giảm 33% khiến thị phần tại đây giảm từ 84% còn 77%. Trái lại, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng vài trăm tấn dù thị phần giảm 1%. Xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường châu Á khác lần lượt tăng 11% và 17%. Ở châu Á, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Việt Nam.

 

Xuất khẩu tôm giá trị gia tăng (chủ yếu là tôm thịt chín) giảm mạnh nhất 26% so cùng kỳ cho thấy nhu cầu từ các kênh bán lẻ của Mỹ đang suy yếu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang châu Âu tăng 33% đã bù đắp phần nào sự sụt giảm này. Xuất khẩu tôm sú Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh 157% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.586 tấn. Theo nhiều nguồn tin tại Ấn Độ, khối lượng tôm sú ra thị trường tiếp tục tăng trong vài tháng tới, với vụ thu hoạch cao điểm dự kiến từ tháng 8 đến đầu tháng 10. Đáng chú ý, năm ngoái, giá tôm sú Ấn Độ tương đương Bangladesh, nhưng năm nay đã cao hơn.

 

Xuất khẩu tôm sú sang châu Âu tăng cao nhất với tỷ trọng 30% vào năm ngoái nhưng giảm xuống còn 20% vào năm nay. Tuy nhiên, lượng tôm sú xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 200% so cùng kỳ với thị phần 17%. Xuất khẩu tôm sú sang châu Á tăng từ 39% vào năm ngoái lên 46% trong năm nay, với hai thị trường lớn nhất là Nhật Bản và Việt Nam.

Một số nguồn tin trong ngành ở Ecuador dự báo vài tháng tới, xuất khẩu tôm tiếp tục suy yếu nên chính phủ sẽ phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính do giá tôm thấp, nhu cầu chậm, chi phí cao và những thách thức khác như thời tiết cực đoan El Nino. Tuy nhiên, các hãng tôm tại Ecuador vẫn tự tin vào đà tăng trưởng và chưa có dấu hiệu cắt giảm sản xuất. Rất nhiều công ty, thậm chí đã mạnh tay đầu tư nâng cao công suất để tăng sản lượng với kỳ vọng đón đầu cơ hội khi các đối thủ khác đang rục rịch cắt giảm thả nuôi. Theo chuyên gia ngành tôm tại Shrimp Insight, Willem Van Der Pijl, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong tháng tới mới có thể đánh giá được những tác động từ tăng trưởng quá nóng của ngành tôm Ecuador.

 

Tại Ấn Độ, sản lượng tôm đang giảm ít nhất 20%, thậm chí lên đến 30% trong hai vụ nuôi đầu tiên của năm 2023. Xuất khẩu tôm Ấn Độ tiếp tục giảm trong vài tháng tới. Nhưng mức giảm vẫn chưa chắc chắn. Hiện giá tôm cổng trại đã ổn định và nông dân Ấn Độ đang duy trì sản xuất. Đồng thời các công ty chế biến và thức ăn chăn nuôi cũng cam kết hỗ trợ nông dân vì họ cũng cần nguồn cung nguyên liệu để duy trì hoạt động kinh doanh. Quy mô của cuộc khủng hoảng ngành tôm Ấn Độ sẽ phụ thuộc một phần vào tình hình sản xuất của Ecuador. Nếu Ecuador tiếp tục tăng sản lượng, tôm Ấn Độ sẽ có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ.

 

Theo Willem, xuất khẩu tôm của Việt Nam và Indonesia bị ảnh hưởng nặng hơn Ecuador và Ấn Độ. Cả hai nước đều có chi phí sản xuất cao hơn và xuất khẩu giảm đáng kể so cùng kỳ năm ngoái. Willem dự báo triển vọng cho Việt Nam và Indonesia không lạc quan. Đặc biệt đối với Việt Nam, xuất khẩu tôm trong tháng 5 và 6 có ghi nhận phục hồi nhưng giá tôm tại trang trại vẫn giảm mạnh khiến nhiều chuyên gia lo ngại tình hình xuất khẩu tôm cuối năm của Việt Nam sẽ khó tăng bật như kỳ vọng.

Việt Nam và Indonesia có lợi thế cạnh tranh hơn trong sản xuất các sản phẩm tôm chế biến sâu và giá trị gia tăng, nhưng Ecuador và Ấn Độ cũng đang đầu tư mạnh cho phân khúc này để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Thời gian tới, cuộc đối đầu giữa các nguồn cung tôm trên thị trường toàn cầu sẽ ngày càng gay gắt hơn ở mọi phân khúc sản phẩm.

error: Content is protected !!